Chỉ có 19 bộ phim giành được giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất, giải Oscar cho Thiết kế trang phục đẹp nhất. Thông thường, các bộ phim có trang phục phù hợp với lịch sử đều giành được giải thưởng. Nhưng không chỉ quần áo mới quan trọng trong phim mà đó còn là tổng thể cả kiểu tóc và trang điểm. Đây là lý do tại sao có những bộ phim nhận được hơn một đề cử Oscar. Và trong một số trường hợp, bản thân bộ phim được giải trang phục chỉ có diễn xuất hay kịch bản ở mức trung bình.
Black Panther, 2018
Ảnh Black Panther/Marvel Studio
Nhà thiết kế trang phục - Ruth E. Carter
Để tạo ra vẻ ngoài phong cách cho các siêu anh hùng, nhà thiết kế đã phải kết hợp các yếu tố tương lai, quần áo truyền thống của châu Phi và phụ kiện thời trang cao cấp. Theo chính Ruth E. Carter, trong thời gian này, trước mặt cô luôn có những bức ảnh chụp những bộ trang phục thực tế của người châu Phi, xem rất nhiều những phụ kiện quý hiếm làm bằng vỏ sò, cũng như những hình anh nghệ thuật về xỏ khuyên và body art.
Phantom Thread, 2017
Ảnh Phantom Thread / Focus Features
Nhà thiết kế trang phục - Mark Bridges
Bộ phim này lấy bối cảnh ngay sau Thế chiến thứ hai. Đây là khoảng thời gian có hai nền công nghiệp thời trang phát triển nhất thế giới - London và Paris. Bridges dựa trên công việc của mình trước đây, cộng thêm nghiên cứu một số tiểu sử của các nhà thiết kế người Anh không mấy nổi tiếng như Peter Russell, Hardy Amies và Michael Donnellan,... Sau đó kết hợp tài năng và đặc điểm của họ với nhau để tạo ra những bộ phục trang xuất sắc trong Phantom Thread.
Fantastic Beasts and Where to Find Them, 2016
Ảnh: Fantastic Beasts and Where to Find Them / Warner Bros.
Nhà thiết kế trang phục - Colleen Atwood
Yếu tố trung tâm của tất cả các bộ quần áo trong bộ phim này tất nhiên là áo khoác của nhân vật Newt Scamander. Có 12 phiên bản giống hệt nhau được thực hiện cho bộ phim. Nó có màu gần giống như xăng dầu hoặc như Colleen Atwood gọi nó, một màu xanh da trời sẫm. Vì vậy, nhìn chung, chiếc áo khoác đều mang ẩm hưởng quần áo của những năm 1920.
Mad Max: Fury Road, 2015
Ảnh: Mad Max: Fury Road / Warner Bros.
Nhà thiết kế trang phục - Jenny Beavan
Điều thú vị là ngoài giải Oscar cho Thiết kế trang phục đẹp nhất, bộ phim còn nhận được giải thưởng ở 5 hạng mục khác bao gồm giải Trang điểm đẹp nhất. Tất cả các nhân vật đều ăn mặc theo thời trang hậu tận thế (những tác phẩm xoay quanh sự diệt vong của nền văn minh nhân loại, hoặc thế giới sau khi nền văn minh sụp đổ), chủ yếu là chất liệu da sờn, bụi bẩn và các phụ kiện khác.
The Grand Budapest Hotel, 2014
Ảnh: The Grand Budapest Hotel / American Empirical Pictures
Nhà thiết kế trang phục - Milena Canonero
Bởi vì bộ phim này diễn ra xoay quanh một điều không tưởng trớ trêu nên màu sắc của trang phục đã được tạo ra để trông giống như trong một câu chuyện cổ tích nào đó. 5 màu chính được sử dụng là đỏ, hồng, vàng, và tím. Loại vải được sử dụng nhiều nhất trong phim là vải nỉ. Canonero cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mình chủ yếu sử dụng quần áo kiểu dáng quân phục, vì vậy nó khiến cho ngay cả những người xem khó tính và chú ý nhất cũng cảm thấy như có điều gì đó tồi tệ sắp xảy đến.
The Great Gatsby, 2013
Ảnh: The Great Gatsby / Warner Bros.
Nhà thiết kế trang phục - Catherine Martin
Điều thú vị là bộ phim gốc được quay vào năm 1974 cũng đã nhận được giải Oscar cho Thiết kế trang phục đẹp nhất. Các công ty quần áo cao cấp như Prada, Tiffany & Co., và Brooks Brothers đã tham gia vào việc tạo ra trang phục cho bộ phim năm 2013. Đây là lý do tại sao tầm ảnh hưởng xung quanh những trang phục trong phim đã xuất hiện từ trước khi bộ phim thực sự ra rạp. Buổi công chiếu đã khởi nguồn cho sự ra đời của nhiều bộ sưu tập thời trang váy áo theo phong cách của The Great Gatsby.
Anna Karenina, 2012
Ảnh: Anna Karenina / Working Title Films
Nhà thiết kế trang phục - Jacqueline Durran
Để tìm cảm hứng, Durran đã xem hình ảnh trang phục từ những năm 1850, nơi có sự cân bằng hoàn hảo giữa vẻ ngoài nghiêm túc và vẻ lãng mạn. Nói cách khác, không có ý đồ chính xác về mặt lịch sử khi tạo ra trang phục cho bộ phim này. Nhưng ngay cả như vậy, các bộ trang phục trong phim vẫn trông rất tuyệt!
The Artist, 2011
Ảnh: The Artist / Ciné Cinémas
Nhà thiết kế trang phục - Mark Bridges
Trong trường hợp bạn chưa xem phim, chúng tôi phải nhắc bạn rằng đó là phim câm đen trắng. Tất cả các chi tiết, bao gồm cả nội thất và trang phục đều thể hiện sự tôn trọng đối với thời đại của những bộ phim câm. Với sự cách điệu rất hoàn hảo, khán giả thậm chí đã dành cho bộ phim sự hoan nghênh nhiệt liệt trong 10 phút tại Liên hoan phim Cannes.
Alice in Wonderland, 2010
Ảnh: Alice in Wonderland / Walt Disney Pictures
Nhà thiết kế trang phục - Colleen Atwood
Các chi tiết về trang phục cực kỳ quan trọng trong bộ phim này. Nếu quan sát kỹ chiếc váy xanh dương của Alice, bạn có thể thấy dải trang trí màu đen nặng nề không hề nhập gì đến lớp vải ren nhẹ xung quanh. Đây là “lời chào kiểu gothic” từ Tim Burton, người đang nói với người xem một cách tinh tế rằng nhân vật chính không hề trẻ con như cách ăn mặc của cô ấy.
The Young Victoria, 2009
Ảnh: The Young Victoria / GK Films
Nhà thiết kế trang phục - Sandy Powell
Các nhà phê bình phim rất bất bình với việc bộ phim đã chi quá nhiều tiền và không có bất kỳ kỹ xảo đặc biệt nào. Thực chất, phần lớn số tiền đã được chi cho việc sản xuất trang phục. 3 chiếc váy là bản sao y hệt váy thật của Nữ hoàng Anh Victoria, một chiếc dùng để tang, một chiếc dùng trong đám cưới và một chiếc dành cho lễ đăng quang. Nhưng bất gờ hơn, mỗi chiếc váy này chỉ xuất hiện vài giây trên màn hình.
The Duchess, 2008
Ảnh: The Duchess / Paramount Vantage
Nhà thiết kế trang phục - Michael O’Connor
Có rất nhiều phục trang được làm riêng cho bộ phim này đến nỗi cần phải có một căn phòng riêng để cất giữ chúng. 30 bộ trang phục được tái hiện chính xác dựa trên các nguyên mẫu trong lịch sử.
Elizabeth: The Golden Age, 2007
Ảnh: Elizabeth: The Golden Age / Studio Canal
Nhà thiết kế trang phục - Alexandra Byrne
Tất cả những hình ảnh của Nữ hoàng Anh trong bộ phim đều tượng trưng cho một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời huy hoàng của bà. Trang phục màu đỏ và cam làm nổi bật sự đăng quang và trị vì của Nữ hoàng cũng như thể hiện sự khác biệt của bà so với những người phụ nữ khác. Trong một số cảnh mà Nữ hoàng buồn bã hoặc lo lắng, chiếc váy lúc đó thường mang những tông màu xanh.
Marie Antoinette, 2006
Ảnh: Marie Antoinette / Columbia Pictures Corporation
Nhà thiết kế trang phục - Milena Canonero
Bộ phim này mang đậm phong cách rococo (phong cách mang âm hưởng từ Pháp và Ý). Mặc dù trang phục không chính xác về mặt lịch sử nhưng Canonero đã giữ nguyên vẻ ngoài tổng thể của trang phục và loại bỏ những phần trang trí thừa. Thật thú vị khi biết rằng nhà thiết kế đã có ý tưởng làm trang phục theo tông màu pastel sau khi cô ấy nhìn thấy một gói bánh quy hạnh nhân.
Memoirs of a Geisha, 2005
Ảnh: Memoirs of a Geisha / Amblin Entertainment
Nhà thiết kế trang phục - Colleen Atwood
Mặc dù nhận được giải nhưng trang phục trong bộ phim này không chính xác về mặt lịch sử, vì vậy giải thích vì sao nhiều người Nhật không thích nó. Trang phục và kiểu tóc không liên quan gì đến ngoại hình thực sự của các geisha thời đó. Ngoài ra, các điệu múa mà các nhân vật chính biểu diễn cũng không có thật.
The Aviator, 2004
Ảnh: The Aviator / Warner Bros.
Nhà thiết kế trang phục - Sandy Powell
Toàn bộ bộ phim đã tái hiện lại phong cách điện ảnh của nửa đầu thế kỷ 20. Đó còn gọi là "kỷ nguyên màu sắc". Trong thời gian này, màu đỏ, xanh lá cây và xanh lam chiếm ưu thế trên các màn ảnh. Điều thú vị là trong quá trình tạo nên trang phục cho The Aviator, Sandy Powell chỉ có tham khảo những bức ảnh đen trắng cũ kỹ, do vậy khi thiết kế, cô hoàn toàn tự mình nghĩ ra màu sắc trang phục.
The Lord of the Rings: The Return of the King, 2003
Ảnh: The Lord of the Rings: The Return of the King / New Line Cinema
Nhà thiết kế trang phục - Richard Taylor và Ngila Dickson
Số lượng trang phục được thực hiện cho bộ phim này thực sự đáng kinh ngạc: 19.000. Trong đó, Frodo cần 64 bộ quần áo và Aragorn có 32 bộ quần áo. Mỗi phần trang phục được làm ra, thực tế đều là những kiệt tác, đặc biệt là áo giáp. Tất cả các mảnh giáp đều được làm bằng tay và ngay cả bộ áo giáp lưới đơn giản nhất ghép bởi 13.000 chiếc vòng cũng phải mất 3 ngày để chế tạo.
Chicago, 2002
Ảnh: Chicago / Miramax Films
Nhà thiết kế trang phục - Colleen Atwood
Toàn bộ vở nhạc kịch đại diện cho thẩm mỹ của Thời đại nhạc Jazz, những chiếc váy trong phim chính là lời nói rõ nhất cho điều này. Đặc điểm chính trong các bộ trang phục chính là loại bỏ các đặc điểm nữ tính điển hình và sử dụng nhiều chi tiết nam tính hơn, với sự trợ giúp của các phụ kiện đi kèm như hoa và các loại thêu khác nhau.
Moulin Rouge!, 2001
Ảnh: Moulin Rouge! / 20th Century Fox
Nhà thiết kế trang phục - Catherine Martin và Angus Strathie
Có tới 80 nhà thiết kế và tổng số hơn 300 trang phục góp mặt trong bộ phim. Các bộ quần áo phần chung được kết hợp với nhau theo một phong cách rất vui tươi và quyến rũ, bằng cách sử dụng váy ngắn, lông vũ, quần tất, và tất nhiên, quần lót ren.
Gladiator, 2000
Ảnh: Gladiator / DreamWorks SKG
Nhà thiết kế trang phục - Janty Yates
Nhà thiết kế trang phục của bộ phim này đã tìm thấy tất cả thông tin cần thiết từ cột trụ lớn ở Rome gọi là Trajan's Column. Nơi này cho thấy phần lớn các chiến binh thời đại đó mặc áo giáp. Bên canh đó, một nguồn cảm hứng nữa cho Yates đó là những bức tranh lịch sử của Alma Tadema.
Ngày nay, một số nhà phê bình cho rằng nghệ thuật thiết kế trang phục đã là dĩ vãng, hầu hết mọi thứ đều có thể được tạo ra bằng công cụ chỉnh sửa ảnh, tốn ít thời gian và tiền bạc hơn. Bạn có nghĩ liệu loại hình nghệ thuật này có tương lai hay không?