Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Chi tiền tỷ đưa cổ phục Việt lên phim, MV

Đăng bởi MARU Yến | 17/07/2020 | 0 bình luận
Chi tiền tỷ đưa cổ phục Việt lên phim, MV

Hành trình làm sống lại cổ phục Việt đang được nhiều người trẻ hào hứng thực hiện thông qua các tác phẩm điện ảnh, ca nhạc...

Sự đứt gãy văn hóa trang phục truyền thống sẽ là điều đáng tiếc trong dòng chảy văn hoá đương đại Việt Nam. Điều đáng mừng, hành trình làm sống lại cổ phục Việt đang được nhiều người trẻ hào hứng thực hiện thông qua các tác phẩm điện ảnh, ca nhạc, dù “cuộc chơi” này rất gian nan, tốn kém.

Cuộc “dạo chơi” bạc tỷ

Thời gian gần đây, sau thành công vượt sự kỳ vọng của MV triệu views “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (ca sĩ Hoà Minzy) và hiệu ứng từ bộ phim “Phượng khấu” (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), trào lưu mặc cổ phục Việt bắt đầu rầm rộ trong giới trẻ. Hàng loạt hình ảnh chụp kỷ yếu, ảnh cưới với áo Nhật Bình, áo dài được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn, trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, để làm được những bộ trang phục vừa phản ánh đúng thời kỳ lịch sử, vừa mang tính thẩm mỹ của thời nay là điều không dễ.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên, đơn vị tài trợ sản xuất trang phục trong phim “Phượng khấu” tiết lộ, kinh phí cho khoảng hơn 300 bộ trang phục lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, kỳ công và tốn kém nhất là bộ trang phục Long Bào Đại Triều phục đi kèm mũ Cửu Long thông thiên và bộ Phượng Bào đi kèm mũ Phượng Quan.

“Để làm được bộ Long Bào Đại Triều phục đi kèm mũ Cửu Long thông thiên, chúng tôi đã phải nghiên cứu hoa văn, sản xuất thử nghiệm rất nhiều bản thiết kế trước đó. Long Bào nguyên bản của vua bằng chất liệu sa trong lót lụa cực đắt đỏ, nếu thêu tay với chừng ấy họa tiết chắc mấy tháng mới xong. Mất cả tỷ đồng để may Long Bào là chuyện thường bởi tính riêng tiền thêu cũng lên tới đôi trăm triệu. Hay, bộ lễ phục Nhật Bình, chúng tôi cũng chỉ dám cho thêu thủ công phần cổ áo, hoa văn còn lại thêu máy, thế nhưng giá cũng lên đến gần 40 triệu đồng”, ông Đức Lộc cho hay.

Phần mũ mão cũng là khâu phức tạp khi yêu cầu phải đúng, chuẩn tỉ lệ theo từng đường nét hoa văn, kích thước. Chỉ cần lệch một chút, ê-kíp cũng phải bỏ đi và đặt làm lại từ đầu.

Rõ ràng, sự khéo léo, chỉn chu trong việc phục dựng cổ phục của thời Nguyễn trong phim “Phượng khấu” hay trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đã góp phần nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều. Điều đó cũng phần nào cho thấy, việc khôi phục và đưa cổ phục Việt vào các sản phẩm văn hoá, giải trí là điều cần thiết.

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người từng thiết kế bối cảnh cho nhiều phim cổ trang nổi tiếng như: “Long Thành cầm giả ca”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Lều chõng”… thừa nhận, đây là tín hiệu tích cực khi những giá trị văn hoá của cha ông đang bắt đầu được thế hệ trẻ quan tâm. Rõ ràng, phương thức gìn giữ, quảng bá cổ phục bằng con đường văn hoá, giải trí đang mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Bản thân ông Lộc cũng khẳng định, những sản phẩm truyền thống nói chung, cổ phục nói riêng cần được thương mại hóa bằng cách thổi vào nó một hơi thở mới như: Xuất hiện trong sân khấu, điện ảnh và cả các sản phẩm giải trí, du lịch… Đó cũng là lý do ông cũng như các cộng sự dốc hết cả tiền bạc, tâm huyết và khả năng để nghiên cứu, tái hiện và đưa đến công chúng những bộ cổ phục chỉn chu, sát với lịch sử nhất.

“Tự thân cổ phục, các giá trị mà chúng tôi nghiên cứu phải sống, phải nuôi sống chính nó để phát triển và đi một con đường dài chứ không phải chỉ là một phong trào nhất thời. Các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản đã rất thành công trong việc quảng bá và xuất khẩu văn hoá truyền thống. Nhưng, tất cả cổ phục, phụ kiện… của họ đều đã được xây dựng và phát triển từ “hồn, cốt” chuẩn theo lịch sử”, ông Đức Lộc cho hay.

Vô vàn những thách thức

Trang phục là điểm cộng lớn nhất trong bộ phim "Phượng khấu"

Thực tế, “Phượng khấu” hay “Không thể cùng nhau suốt kiếp” không phải là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên khai thác về đề tài cổ trang. Bên cạnh nội dung, điểm yếu phục trang đã khiến dòng phim này không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Trong quá khứ, có thể kể đến những tác phẩm như phim: “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn Ngô Thanh Vân), “Mỹ nhân kế” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Lửa phật” (đạo diễn Dustin Nguyễn), “Mỹ nhân” (đạo diễn Đinh Thái Thụy)… Hầu hết tác phẩm này gây nhiều tranh cãi, thậm chí bị chê là nặng nề, thiếu thẩm mỹ, sáng tạo trang phục tùy hứng. Đơn cử, bộ phim “Mỹ nhân” bị nhận xét là cẩu thả trong việc thiết kế trang phục. Thậm chí, hình ảnh chú sư tử được thêu trên bộ quan phục của diễn viên Châu Thế Tâm còn bị cho là giống nhân vật Vua Sư Tử trong phim “The Lion King” của Walt Disney.

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, sở dĩ các tác phẩm nghệ thuật Việt về đề tài cổ trang luôn gây những tranh cãi hay thất vọng vì kinh phí và tư liệu trực quan còn khá hạn chế. Công đoạn thiết kế và lựa chọn trang phục cho phim cổ trang là vấn đề đau đầu. Trong khi Trung Quốc có nguồn tư liệu khổng lồ về các triều đại thì chúng ta lại có rất ít, hầu như tập trung từ thời nhà Nguyễn trở về đây. Điều đó khiến giới chuyên môn phải phỏng đoán dựa vào những hiện vật tương quan để “biến tấu” theo cảm nhận riêng.

Là đơn vị trực tiếp thiết kế, sản xuất, ông Đức Lộc thừa nhận, việc đưa cổ phục trở lại đời sống đương đại là một hành trình gian nan và có vô vàn thử thách. Sau rất nhiều những giai đoạn lịch sử bị đứt gãy, công chúng trong nước không thể ngay lập tức nắm bắt và hiểu về trang phục cổ ở những niên đại quá xa xưa được. Bản thân công chúng còn khá mơ hồ về cổ phục của ông cha. Do vậy, việc xuất hiện những tranh cãi về cổ phục là điều khó tránh khỏi.

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: