Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 4): Áo dài nam truyền thống - 'Xứng kỳ đức' người Việt Nam

Đăng bởi MARU Yến | 16/07/2020 | 0 bình luận
Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 4): Áo dài nam truyền thống - 'Xứng kỳ đức' người Việt Nam

Trong tiến trình hội nhập ấy, phục dựng lại chiếc áo dài nam 5 thân truyền thống là một đòi hỏi bắt buộc, nhằm từng bước sánh vai với tà áo dài nữ duyên dáng, đậm chất Việt Nam đang tỏa sáng và được bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ.

 

Như các kỳ trước, tôi đã nghiên cứu, tiền thân là áo năm thân cổ tròn, đứng (cao khoảng 4cm), được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông là người đặt nền tảng cho hình hài của chiếc áo dài lịch lãm, đậm phong cách Việt.

Nhìn lại cuộc cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát

Để giữ nét riêng cho dân tộc, trong sắc dụ, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã đề cập đến trang phục của người Việt. Trong cuốn Kể chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn của Tôn Thất Bính có bài Những trang đầu của lịch sử áo dài, viết: “Chiếc áo dài tha thướt, xinh đẹp hiện nay phải qua một quá trình phát triển. Nó được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: “Bát đại thời hoàn trung nguyên” (tám đời trở về trung nguyên), thấy từ Đoan Quốc Công (Nguyễn Hoàng) đến nay vừa đúng tám đời bèn xưng hiệu lấy thể chế áo mũ trong “Tam tài đồ hội” làm kiểu…”.

Sách Đại Nam thực lục viết: “Chúa cho rằng lời sấm có nói tám đời trở lại trung đô, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới, châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ, văn quan từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng Mãng bào hoặc gấm đoạn theo cấp bậc”.

Với cuộc cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744), các dạng trang phục với cổ áo đứng cài khuy, tay và thân áo hẹp hay được gọi là “quần chân áo chít” với áo 5 thân gài khuy, cúc, bắt đầu phổ biến rộng rãi khắp Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của chiếc áo dài Việt Nam ngày nay.

Áo dài 5 thân: áo cổ đứng và áo tấc

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao lại gọi là áo dài 5 (ngũ) thân? Xin thưa, vì ngày xưa, khổ vải nhỏ, chỉ từ 35 - 55cm, gồm 4 tấm vải: được ghép viền, nối sống lại với nhau tạo thành đường trục tung chạy dọc sống lưng và dọc thân trước, biến thành 2 thân áo phía trước và 2 thân áo sau lưng, thêm 1 thân con phía trước (tay phải) nằm ẩn mình bên trong. Đường ghép được khâu (may) theo mô thức đối sóng, hoặc đuổi sóng, nên dáng áo đứng, ống tay hẹp dài đến cổ tay, có đường xẻ dọc từ hông xuống đến đuôi áo tạo thành đường tà (xiên). Phần đuôi áo trước được cắt lượn hình cánh cung tạo ra sự mềm mại, cách điệu, dài quá đầu gối chừng 5 - 7cm (tùy dáng người). Đuôi áo 2 thân sau cắt thẳng theo trục hoành.

Cổ áo đứng, tạo khuôn tròn theo cổ, cao 4cm, 5 khuy áo bằng ngà, xương (vàng, bạc, đồng, tùy giàu nghèo) được khâu đính từ cổ (1 khuy) vắt chéo sang phía xương đòn gánh phải (1 khuy) và 3 khuy còn lại được đính cách đều nhau dọc theo lườn phải khiến cho 2 thân áo phía trước khi mặc bó sát vào người, tôn bộ ngực nở nang của người đàn ông lên, được mặc kèm với chiếc quần màu trắng 2 ống, rộng chừng 25 - 27cm, cạp bằng chun hoặc dải rút tạo ra sự tiện lợi.

Chú thích ảnh

Áo tấc cổ đứng (lễ phục, được mặc trong các dịp trọng đại, như quan, hôn, tang, tế...)

Bên trong trang phục áo ngũ thân nam là một lớp áo lót trắng, cổ đứng, có may túi tiện dụng, tạo lớp nền sáng lộ ra ở cổ, cổ tay, hai bên sườn, tôn lên vẻ đẹp cho chiếc áo dài mặc bên ngoài.

Loại áo ngũ thân cổ đứng này khác với áo tấc, hay còn gọi là áo lễ, áo thụng, một loại trang phục truyền thống của Việt Nam, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ với cổ đứng cài cúc bên phải (của người mặc), tà áo chắp từ 5 mảnh vải, tương tự áo dài nhưng ống tay dài quá ngón tay giữa khoảng 20cm và rộng (thụng) khoảng 48cm. Đây là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn và sau này, tương tự như áo vest ngày nay, cái tên "áo tấc" xuất phát từ phần viền cổ áo rộng đúng 1 tấc (4 cm theo cách tính xưa) được mặc kèm với mũ tú tài hoặc khăn đóng.

Tôn lên vẻ đẹp người Việt Nam

Trước năm 1744, người Việt mình cũng thường mặc loại áo giao lĩnh có cổ đan chéo trước ngực, để tóc dài buông xõa và áo viên lãnh, tức áo cổ tròn.

Kiểu áo do chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt định là áo 5 thân cổ đứng (cao 4cm) cài 5 khuy. Áo 5 thân che kín thân mình không để hở áo lót. 2 vạt trước ghép viền, nối thành sống áo theo trục tung từ cổ thẳng xuống đuôi áo. 2 vạt sau lưng cũng nối sống lại với nhau (vị chi thành 4) tượng trưng cho tứ ân phụ mẫu (bên chồng, bên vợ), và vạt (thân) con phía tay phải nằm trong vạt trước chính là thân thứ 5, tượng trưng cho người mặc áo.

Chú thích ảnh

Mẫu áo dài ngũ thân của giới quý tộc xưa

Vạt con nối với 2 vạt sau nhờ cổ áo có bâu đệm, và khép kín nhờ 5 chiếc khuy, tượng trưng cho ngũ thường theo quan niệm Nho giáo (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) và ngũ hành theo triết học Đông phương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trong sinh hoạt thường ngày, người đàn ông mặc áo chẽn tay để thuận tiện, nhưng trong nghi lễ trang trọng người ta sẽ mặc áo tay thụng, chính là áo tấc. Khăn vấn hình chữ Nhân, hoặc chữ Nhất, tượng trưng cho nhân nghĩa, lòng nhân, sự cương trực, nhất tâm được đặt lên hàng đầu.

Với cách thiết kế của người Việt như vậy, khi ngồi xuống ghế tràng kỷ hoặc bộ ghế Minh quốc, 2 chân để dạng bằng vai, 2 vạt trước và vạt trong của áo phủ trùm lên hai đầu gối tạo ra sự bề thế, đường vệ, uy nghi mang phong thái một đấng nam nhi quân tử.

Hiện nay, cách gọi áo dài nam truyền thống như: thường phục, quốc phục, lễ phục theo cổ truyền cũng cần được minh định rõ ràng để cho tiện hình dung. Chẳng hạn, thường phục, quốc phục hay lễ phục đều là khái niệm chỉ chung cho bộ trang phục áo dài và cách ứng xử của người mặc nó vẫn thể hiện sự trang trọng, nâng niu, giữ vóc dáng đĩnh đạc, khoan thai, nói năng từ tốn, thể hiện cốt cách nam nhi đại trượng phu. Cả 3 cách gọi trên thực chất đều có thể gọi chung là bộ Quốc phục khi đem so sánh với trang phục của các nước (dân tộc) khác, nhưng có vài nét khác biệt cơ bản:

Thứ nhất, bộ thường phục được dùng phổ biến trong sinh hoạt thường nhật của người dân. Nên chất liệu vải không quá cầu kỳ về mặt hình thức, chỉ cốt ở sự tiện dụng, giá cả bình dân.

Trong khi đó, cách may bộ lễ phục thì cầu kỳ, tinh tế hơn nhiều, đặc biệt, nó phải được quy chuẩn hóa theo điển lễ, luật. Chất liệu vải phải được lựa chọn kỹ càng, đẹp, sang trọng về mặt màu sắc, hình thức, thậm chí còn may hình rồng phượng, bổ (bố) tử… Bộ lễ phục là thể diện (quốc thể) và niềm tự hào về văn hóa trang phục của mỗi dân tộc, chứ không phải là phóng tác thiết kế theo xu hướng mốt, thời trang lòe loẹt nên nó phải kế thừa được những nét tinh hoa của trang phục áo dài nam truyền thống – bộ “Quốc phục”.

Thứ hai là thời điểm mặc: Nguyên thủ quốc gia, người đại diện cho nhân dân... sẽ mặc lễ phục trong dịp tiếp xúc ngoại giao, hội họp mang tầm vóc quốc gia, lễ lớn của dân tộc như dịp dâng hương tại đền các vị vua Hùng: 10/3 Âm lịch hàng năm, dịp đầu năm mới chúc Tết cả nước, tiếp đón các phái đoàn ngoại giao, trình quốc thư…

Thứ 3 là khái niệm: Khi nhắc đến hai chữ Quốc phục, như quốc hồn, quốc túy, quốc hoa cũng vậy, bộ trang phục áo dài nam 5 thân phải thể hiện tính mẫu mực, thống nhất từ trung ương đến địa phương và trở thành điểm tựa cho bộ thường phục nói chung.

 

 

 

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: