Đông Nam Á có rất nhiều dân tộc có điệu múa truyền thống của mình, nhưng không phải dân tộc nào cũng có sinh hoạt múa phổ biến trong nhân dân như ở Lào, đó là điệu múa Lăm Vông đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Múa lăm vông đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người Lào. Nó không chỉ là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho người dân nơi đây mà còn kết nối tình hữu nghị quốc tế.
Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5.
Tiếp xúc với người Lào dù chỉ một thời gian ngắn, du khách dễ dàng nhận ra nét đặc sắc của tâm hồn họ đó là sự hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình và say sưa ca hát, nhảy múa. Họ hát múa rất nồng nhiệt. Với dân Lào, Lăm Vông như cơm ăn, nước uống. Theo tiếng Thái “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Múa Lăm Vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Động tác của nữ giới là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tiến, một bước lùi. Còn phía nam giới thì lắng nghe những lời ca, tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng từng động tác. Trước khi múa, từng cặp đôi nam nữ chắp tay trước ngực vái chào nhau. Nam đứng vòng ngoài, tay múa từ ngoài vào. Nữ đứng vòng trong, tay múa từ trong ra. Lời ca trong lăm vông được phổ từ những bài hát dân gian như Khắp Thùng, Tăng Vi, Lămxaravan… Khi nhảy múa xong, hai bên nam nữ chắp tay trước ngực và nói với nhau lời cảm ơn.
Điệu Lăm Vông nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy, nhảy đôi hay nhảy tập thể theo vòng tròn đều rất vui. Chỉ cần một chút khéo léo, sự mềm dẻo của cơ thể cộng thêm sự uốn dẻo của đôi bàn tay thon thả là du khách có thể thu hút biết bao ánh nhìn. Từng đôi nhảy xoay tròn, những bước chân nhịp nhàng, những khuôn mặt hào hứng, say mê… Tất cả làm nên một không khí cởi mở, vui tươi.
Ngày nay Lăm Vông vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc cùng những bài Lăm, bài Khắp độc đáo đã là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân Lào anh em. Với tiếng đàn La Nạt (còn gọi là đàn Thuyền), tiếng trống Lào không đánh bằng dùi mà chỉ vỗ bằng đôi tay… Vốn âm nhạc và múa cổ truyền ấy đã thật sự nuôi dưỡng tâm hồn của nhân dân Lào, vươn tới trong mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong tình hữu nghị quốc tế.