Làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cứ vào ngày 10/2 âm lịch hằng năm, tại đình làng thờ Thần Thành hoàng, trình diễn Lễ hội trò Xuân Phả 5 điệu múa cổ đặc sắc độc đáo. Trò Xuân Phả là một di sản văn hoá, phi vật thể đặc sắc nhất còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa sau hàng trăm năm qua cho đến ngày nay.
Các điệu múa trong trò Xuân Phả là một vở diễn năm trò của người Việt cổ. Truyền thuyết kể rằng, vào thời Vua Lê, đất nước có giặc ngoại xâm, nhà Vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng nhau đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì gặp giông tố phải trú lại. Đến đêm, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng về cách đánh giặc, nhà Vua làm theo quả nhiên thắng trận. Đất nước trở lại thanh bình, nhà Vua mở hội mừng công. Trong ngày hội, các nước lân bang đã đến dự hội, vừa tỏ lòng khâm phục Vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo. Đặc biệt, các nước chư hầu, các bộ tộc đã mang đến hội nhiều điệu múa đặc sắc của dân tộc mình. Người dẫn đầu đoàn trò vào múa hát có mang theo một biển gỗ sơn son thiếp vàng giới thiệu về quốc gia, dân tộc mình như "Chiêm Thành đồ tiến cống," "Ai Lao đồ tiến cống" hoặc "Hoa Lang đồ tiến cống"... Để tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, Nhà Vua đã ban thưởng những điệu múa hay nhất, đẹp nhất cho dân làng. Đó chính là các điệu Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồng Nhung(còn gọi là Tú Huần)
Trò Xuân Phả được trình diễn trước sân đình làng, vào dịp lễ các vị thần linh làng, sân khấu không cần trang trí cầu kỳ, thậm chí trên một bãi cỏ rộng cũng có thể diễn được.
Nhạc cụ là một cái trống, vài đốc thanh tre….Điều quyết định giá trị của hội trò là đội múa trò, gồm khoảng 20 thành viên, thường là các lão nông và trai đinh. Họ phải luyện tập thành thạo các vai diễn và vai quan trọng nhất của 5 “nước trò” là vai chúa. Vai chúa do các cô gái trẻ và đẹp trong làng đóng. Các công việc này phải chuẩn bị xong trước đó dăm ngày.
Đặc biệt trong ba trò Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần, các nhân vật tham gia các điệu múa trong trò diễn phải đeo mặt nạ.Các trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm. Chỉ có hai điệu Hoa Lang và Ngô Quốc có nữ tham gia ở các vai tiên, phỗng. Bài Hoa Lang chỉ hát khi chúa và quân múa xong, dạo trống bắt đầu xắp mái chèo để chèo đò... Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng. Về năm điệu múa trong trò Xuân Phả gồm:
1 - Trò múa Hoa Lang: Có 2 người đội lốt kỳ lân ra múa. Tiếp đó, có ông chúa múa siêu đao và 2 quân múa đấu ngựa. Theo sau là đoàn quân 10 người múa quạt. Đoạn kết múa chèo thuyền thay lời tạm biệt kẻ ở, người đi. Phục trang cho phần múa này là áo dài tứ thân màu xanh nước biển, quần trắng mũ da bò cong 2 đầu.
2- Trò múa Chiêm Thành: Gồm có 14 người (1 chúa, 1 nàng, 2 phỗng, 10 quân). Phục trang có 11 áo đỏ vải mền dài hơn 1 m viền mép, ngực áo chúa có hình hổ phù, 2 bộ xiêm của phỗng bằng vải cứng, 3 màu, màu đen khoác ở cổ và buộc ở bụng, áo vải trắng lót ở trong, 11 khăn buộc ngang lưng rộng 0,4m, dài gấp đôi, khi buộc gấp chéo và buộc đầu đỏ, cạnh dài 0,6m có 2 sừng hình quả chuối dính vào đỉnh, 11 mặt nạ gỗ sơn đỏ, có mắt lông công, phía trong mặt nạ có que để ngậm vào miệng khi đeo, 13 đôi bít tất trắng hoặc đỏ. Trò diễn không có bài hát. Phỗng có 2 điệu múa dâng hương, sau đó đội hình múa dàn ra và diễn theo nhịp trống. Chúa và quân trình diễn các động tác đến 3 lần theo quy định. Phần kết múa tung hoa.
3 - Trò múa Lục Hồng Nhung: Mở đầu có một cụ già chống gậy, theo sau là đoàn gõ sênh. Tất cả tựa như đàn con vây quanh người mẹ. Phục trang múa gồm áo dài xanh đen, lưng thắt khăn nâu, đầu đội tóc trắng.
4 - Trò múa Ai Lao: Một người đội lốt hổ chạy mở đầu. Hai người đội lốt voi ra múa ngẫu hứng, mở đường. Chúa Lào (đội mũ cánh chuồn, áo thụng xanh chàm) xuất hiện, hai bên có lính bảo vệ. Cả đoàn đi trong tiếng sênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu hiện sức mạnh các chàng trai đi săn.
5 - Trò múa Ngô Quốc: Mở đầu có người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho hai nàng tiên và đoàn quân đi ra. Đoàn này múa quạt và khăn, tiếp đó múa mái chèo.
Về phần âm nhạc, các trò múa Xuân Phả thường dùng bộ gõ dân tộc, gồm trống, nhị, hồ, thanh la, não bát, mõ hoặc xênh tre... rất độc đáo và gây ấn tượng mạnh. Các loại nhạc cụ thì Trống có đường kính mặt 60- 65 cm nhưng phải có tiếng và âm phù hợp với loại hình trò diễn. Mõ có hình dáng cong lưỡi liềm, dài khoảng 20cm được chế từ gốc tre già, mặt ngoài được làm nhẵn, bên trong đục rỗng để có độ cộng hưởng âm thanh. Khi nghe tiếng nhạc cụ của các trò múa này vang lên, mọi người đều đứng ngồi không yên. Người ta gọi là trò Xuân Phả bởi có phần diễn mở đầu của các nhân vật và con vật diễn thường ngẫu hứng và đem lại cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Múa Xuân Phả phải sử dụng nhiều đạo cụ và mỗi đạo cụ có một hình tượng riêng. Hầu hết đạo cụ diễn trò Xuân Phả đều chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si. Những động tác khi múa, lúc uyển chuyển nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ, tạo nên những cao trào, đem đến cho khán giả một khoái cảm thẩm mỹ kỳ lạ. Trong mỗi điệu múa của trò múa Xuân Phả đều có nét độc đáo riêng mà ở các điệu múa khác không có.
Trong múa Xuân Phả, “điểm nhấn” thuộc về các nam nghệ sĩ với những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Những điệu múa ấy gợi nhớ đến điệu múa Chư hầu lai triều, Bình Ngô phá trận dưới triều Lê Thánh Tông với các nghi thức cúng lễ có ở nhiều đám tế tự khác trước nghè thờ thành hoàng làng, ít gặp trong các điệu vũ dân gian quen thuộc bởi lời ca không liên quan gì đến múa, đảm bảo ổn định cả phần hồn lẫn phần sắc trong ngôn ngữ và cấu trúc múa...