Trải dài đất nước hình chữ S, Việt Nam có rất nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại lâu đời như: nghề làm hoa sen, nghề đúc đồng, làm tranh Đông Hồ, nghề làm tranh sơn mài,… đặc biệt phải kể đến đó nghề thêu tay – đây được xem là nghề truyền thống có từ lâu đời, tạo nên một sắc thái riêng biệt, góp phần phong phú cho văn hóa Việt Nam.
Lịch sử nghề thêu
Theo sách sử ghi chép, ông tổ nghề thêu của Việt Nam là ông Lê Công Hành, người làng Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội ngày nay). Tương truyền trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, vì thấy ông là người thông minh nên đã bị Triều đình nhà Minh nhốt trên một lầu cao trong thành. Trong thời gian bị nhốt ở đây, ông đã hạ hai bức nghi môn và hai cái lọng bên trong tháp này xuống, ông đã quan sát tỉ mỉ từng sợi chỉ, các đường thêu, cách tháo lắp cán chân của chiếc lọng, nhờ vậy ông biết cách làm lọng và kỹ thuật thêu của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi đã biết cách làm lọng rồi, ông lại hạ bức trướng xuống, tháo các đường chỉ kim tuyến xem cách thêu, rồi lại dùng chỉ đó thêu vào. Lúc hoàn tất, ông ngắm nghía thấy nét chữ thêu giống hệt như cũ.
Sau một thời gian bị giam ở đây, ông đã nghĩ cách kẹp hai cái lọng vào hai bên mình mà nhảy xuống. Lúc này triều nhà Minh nhận thấy sự thông minh của ông, vô cùng kính phục, bày tiệc lớn tiễn đưa đoàn sứ về nước.
Sau khi về nước, ông bắt đầu truyền nghề thêu ông đã học được cho con cháu và người dân ở làng mình. Từ đó nghề thêu ở Quất Động trở nên phổ biến và phát triển hơn, trở thành nghề truyền thống của cả vùng. Vào những năm nghề thêu phát triển cực thịnh, sản phẩm làng nghề vang danh khắp cả nước, thể hiện óc sáng tạo trình độ tay nghề đạt mức tinh xảo cùng với những biến động của lịch sử có lúc nghề thêu bị mai một, song nghề thêu vẫn luôn được gìn giữ để truyền từ đời này sang đời khác và duy trì cho đến ngày nay.
Sau khi mất, ông Lê Công Hành đã được dân trong vùng lập đền thờ, tôn làm ông tổ nghề thêu. Trong đền hiện vẫn giữ nhiều hiện vật quý, trong đó các tấm bia với bát hương cổ. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, là ngày giỗ cụ Lê Công Hành thì dân làng, các đoàn ở các tỉnh địa phương làm nghề thêu và của thành phố Hà Nội đều về đây dâng hương tưởng nhớ ông tổ nghề thêu.
Thăng trầm với nghề…
Trong thời phong kiến, nghề thêu là một trong những nghề phục vụ cho vua chúa và các bậc triều thần. Tại thời điểm này, nghề thêu được biết đến rất nhiều qua những bộ trang phục với đường thêu tinh xảo, hoa văn sắc nét. Từ trang phục thượng triều đến trang phục thường ngày của vua chúa, đại thần, các mẫu trang phục của hoàng hậu, hoàng gia đến các tiểu thư khêu các đều được thêu rất bắt mắt và sang trọng tùy theo địa vị của mỗi người.
Để có thể tạo ra các hoa văn trên loại vải lúc bấy giờ, đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo và nhạy bén của mình. Làm thế nào để có thể thêu được những đường nét sắc sảo, sống động thì điều tiên yếu chính là chỉ thêu. Sợi chỉ thêu vào thời đó được nhuộm hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên như cây chàm, củ nâu, vỏ bang, đá mài, hoa hòe… Nhờ những màu sắc thiên nhiên đã tạo nên đầy đủ các màu chỉ tưởng như không thể tạo ra, làm cho các họa tiết trên trang phục thêu lúc bấy giờ rất đẹp, các hình ảnh được thể hiện chi tiết, trông như thật. Một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu. Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải rất khó, vì vậy nghệ nhân thêu gần như phải đồng thời là họa sỹ. Về kỹ thuật thêu tay truyền thống thì bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn – khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng.... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu. Muốn vậy, từ khi còn bé, người thợ phải học cách cầm kim, xỏ chỉ sao cho đúng; đâm mũi kim sao cho nhỏ chân; kéo chỉ vừa độ căng; chân chỉ phải bằng và mềm mượt; mầu sắc khi phối phải thật hài hòa.
Mặc dù nghề thêu lúc bấy giờ rất phát triển ở Quất Động nhưng để có thể nói đến sự chuyên nghiệp, đạt đến mức tinh xảo thì phải nhắc đến xứ Huế - đây được xem là nơi đánh dấu bước phát triển mớii của nghề thêu. Khi triều Nguyễn xây dựng hoàng cung tại đây, bà Hoàng Thị Cúc – mẹ vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu đã kết hợp những tinh hoa của nghệ thuật thêu tay Việt Nam với kỹ thuật thêu của Châu Âu để nâng nghệ thuật thêu của cung đình lên đỉnh cao hơn, gắn với những nét thùy mị, tinh tế, tỉ mỉ của người con gái xứ Huế. Qua đó các trang phục lúc này được hoàn thiện hơn, sự oai nghiêm, hùng mãnh của rồng, sự duyên dáng, e ấp của các loài hoa đều thể hiện sắc nét trên trang phục. Một học giả người Pháp đã viết: “Người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc…”
Nghề thêu ngày nay
Ngày nay, với chất liệu ngày một phong phú, cùng sự ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã đưa nghệ thuật thêu tay lên một tầm cao mới của nghệ thuật qua những bức tranh rất sống động như thật như: cảnh làng quê, chân dung Bác Hồ, phong cảnh, quần ngư hội tụ, thiên điểu… Qua những đường kim mũi chỉ, tranh thêu còn thể hiện được tất cả những hình ảnh xung quanh cuộc sống này như những thăng trầm của lịch sử, những sự vật xung quanh, tất cả được tạo nên với muôn sắc màu qua bàn tay tinh hoa của các nghệ nhân.
Tranh thêu ngày nay rất được ưa chuộng, các bức tranh được đặt trang trọng trong phòng khách như thể hiện tâm tư, ước vọng của gia chủ. Tùy theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tranh thêu tay ngày nay rất đa dạng và phong phú, các trang phục thêu cũng được khách hàng ưu ái hơn và không chỉ trong nước mà ngay cả các nước bạn trên thế giới cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho nghệ thuật thêu tay của Việt Nam. “Người thợ thêu Việt Nam rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu tay hòa hợp, sống động”
Trải qua bao thế kỷ, thăng trầm của lịch sử, nghề thêu truyền thống, tưởng chừng như bị mai một nhưng nghề thêu vẫn tồn tại và được gìn giữ. Ngày nay xã hội càng phát triển, nghệ thuật thêu ngày càng được cải thiện, các màu chỉ thêu thay vì trước đây được nhuộm bằng màu tự nhiên thì ngày nay được nhuộm với các màu công nghiệp, tạo ra màu sắc đa dạng và phong phú. Tuy vậy nhưng nghệ thuật thêu tay vẫn giữ được bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc, các bức tranh luôn được thể hiện sống động, thu hút làm lay động những người yêu nghệ thuật thêu tay này. Nhờ đó mà tranh thêu tay không chỉ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp nghề truyền thống của đất nước, con người Việt Nam.