Mới đây, nhóm múa cổ điển Ấn Độ Bharatnatyam đã có đêm diễn rất thành công tại Cần Thơ. Giới trẻ thành phố hiểu thêm về vũ điệu có tuổi đời hơn 2.000 năm, tinh tế trong từng động tác, ngữ điệu và âm nhạc.
Ngài K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết, Bharatnatyam là điệu múa cổ truyền đến từ bang Tamil Nadu, phía Nam Ấn Độ, có tuổi đời hơn 2.000 năm, được nhắc đến trong các thư tịch cổ. Người Ấn Độ tìm thấy những động tác múa Bharatnatyam trong các tác phẩm điêu khắc, công trình kiến trúc… “Bharatnatyam chứa đựng 3 yếu tố: Nritta - chuyển động múa; Natya - diễn đạt bằng điệu bộ và Nritya - sự kết hợp giữa Nritta và Natya. Chủ đề múa Bharatnatyam xoay quanh tình yêu lãng mạn và tín ngưỡng”- ngài Reddy lý giải.
Trong đêm diễn tại Cần Thơ, 6 tiết mục múa Bharatnatyam đã chinh phục khán giả bởi sự điệu nghệ, duyên dáng và quyến rũ. Đêm diễn được lấy cảm hứng từ 3 sử thi của Ấn Độ. Tiết mục “Chandramouleeshwara” thể hiện sự ngưỡng vọng với Thần Siva; “Jatiswaram” là một tác phẩm nêu bật sự hòa hợp giữa âm nhạc và các vũ điệu; còn tiết mục “Valli kanavan” vốn xuất phát từ một bài thơ lãng mạn, được chuyển thể trên nền nhạc huyễn hoặc kết hợp vũ điệu, thể hiện tình yêu của nhân vật nữ với thần chiến binh Muruga… Thú vị nhất là tiết mục “Ardhanareeshwara” với quan niệm về sự cân bằng trong vạn vật: đàn ông - đàn bà; trái - phải; ngày - đêm, sự sống - cái chết với triết lý được thể hiện qua ngôn ngữ múa. Em Nguyễn Tuấn Kiệt, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, thán phục: “Ngôn ngữ múa của đoàn rất hay, nhịp điệu, âm nhạc khiến người xem bị cuốn hút”.
Nhóm múa cổ điển Bharatnatyam gồm 6 thành viên: Sreelatha Vinod, P.T. Narendran, Parvathy Menon, Shijit Nambiar, Indu Mohan, Nidheesh Kumar, từng biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, người thổi hồn cho Bharatnatyam chính là nhóm trưởng, nữ nghệ sĩ Sreelatha Vinod. Cô là một trong số ít nghệ sĩ múa Bharatnatyam giỏi nhất Ấn Độ hiện nay. Ngài Reddy nhận định: “Cô Sreelatha Vinod là nghệ nhân bậc thầy đầy nhiệt huyết, một biên đạo múa tài hoa, sáng tạo”. Cô Sreelatha Vinod vui vẻ cho biết: Được đến với Cần Thơ là niềm vui, hạnh phúc và rất hân hạnh được giới thiệu điệu múa cổ truyền của đất nước mình với Cần Thơ.
Những đêm diễn giao lưu văn hóa như thế này không chỉ tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, mà còn giúp giới trẻ Cần Thơ hiểu hơn về những nền văn hóa khác, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.