Từ ngày 7 - 9.8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ V năm 2019 sẽ được tổ chức tại làng lụa Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam
Vải lụa là một sản phẩm văn hóa bản địa của Việt Nam có giá trị từ trong lịch sử đến ngày nay. Đây là loại vải mịn, mỏng được dệt từ các sợi tơ tự nhiên. Các sợi tơ đó được lấy từ quá trình tạo kén của tằm. Do có cấu trúc dạng lăng kính tam giác, lụa phản chiếu ánh sáng chiếu vào nó với nhiều góc độ khác nhau tạo nên vẻ óng ánh đặc trưng.
Theo sử sách ghi chép lại, nghề ươm tơ dệt lụa đã có từ rất lâu đời và đã từng rất phát triển ở các làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, dưới tác động mạnh mẽ của các mặt hàng áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, ngành trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa đã dần mai một. Các làng nghề dệt lụa truyền thống xưa như: Vạn phúc (Hà Nội), Duy Xuyên (Quảng Nam), Nha Xá (Hà Nam), Tân Châu (An Giang)… cũng phát triển khó khăn.
Tuy nhiên, khoảng 5-7 năm trở lại đây, khi giá tơ lụa trên thế giới tăng lên, ngành dâu tằm tơ trong nước cũng phục hồi và phát triển. Ngoài “thủ phủ” dâu tằm tơ Lâm Đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng phát triển trở lại tại nhiều tỉnh khác, như: Kon Tum, Đắk Nông, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Đặc biệt, nghề dâu tằm tơ đã mang lại cho bà con miền núi các tỉnh Lào Cai, Sơn La nguồn thu nhập khá tốt.
Về thổ cẩm, đây là một loại vải dệt thủ công với các họa tiết được bố trí xen lẫn, nổi lên trên bề mặt vải. Những hoa văn này đem lại cho bề mặt vải sự tương phản về đường nét, màu sắc… Dệt thổ cẩm cũng là một nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, là một nét đặc trưng văn hoá của các dân tộc thiểu số.
Nguyên liệu chính được sử dụng để dệt nên những tấm thổ cẩm là bông vải. Bông vải thu hoạch theo mùa được đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Trải qua nhiều công đoạn như: luộc, ủ, giặt, nhuộm… sợi sẽ trở nên mịn và dai. Khi đó, sẽ được mang dệt thành váy, áo, tất, khăn…
Đối với người dân tộc thiểu số, trang phục - bên cạnh yếu tố làm đẹp, còn thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán thông qua hoa văn, màu sắc. Do đó, mỗi một dân tộc đều có biểu trưng trang phục cũng như hoa văn trang trí khác nhau, dựa vào các đặc điểm đó có thể phân biệt một cách dễ dàng.
Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được tạo ra chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, một phần để trao đổi hàng hoá. Ngày nay, thổ cẩm còn là món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách thập phương.
Nơi bảo tồn một nét đẹp trong đời sống lao động và văn hóa xứ Quảng
Là vùng đất đa dạng về tự nhiên, có bờ biển dài, đồng bằng tương đối rộng, rừng núi bạt ngàn... lại là nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, các ngành nghề thủ công cũng phát triển, hình thành các làng nghề nổi tiếng. Trong đó, nghề thủ công truyền thống tạo nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam là nghề nuôi tằm, dệt lụa.
Xứ Quảng từng được coi là “thánh địa” của nghề dệt lụa với những vùng đất có nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa rất phát triển như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình và làng lụa Hội An (thành phố Hội An) với truyền thống hơn 300 năm. Đặc biệt, đô thị cổ Hội An trước đây từng là thương cảng nổi tiếng sầm uất một thời, và một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều chính là lụa tơ tằm. Sau này, sự lụi tàn của thương cảng Hội An cũng khiến nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa dần bị mai một…
Nhận thấy nguy cơ mất đi một nghề thủ công truyền thống độc đáo, từ tháng 8.2012, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đã đầu tư xây dựng dự án Làng lụa Hội An vừa để khôi phục một làng nghề, vừa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
Nằm cách Phố cổ Hội An gần 1km, Làng lụa Hội An không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm tơ lụa từ những phương thức dệt lụa truyền thống hơn 300 năm, mà còn là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống ở phố Hội. Với một không gian lưu giữ, tái tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ dệt lụa, làng lụa Hội An thường được người dân ví von như bảo tàng của nghề dệt lụa truyền thống ở đất Quảng và trở thành điểm du lịch thú vị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa nghề truyền thống và trang phục tơ lụa Hội An xưa... Nhiều gia đình tại Hội An đã quay trở về với nghề dệt lụa truyền thống này, góp phần hồi sinh làng nghề với hơn 2.000 khung dệt của 200 hộ dân. Tại đây còn lưu giữ các nguồn gien quý về dâu tằm và giống tằm.
Đến nay, sau hơn 7 năm mở cửa, làng lụa Hội An đã đón hàng triệu lượt du khách. Việc kết hợp phát triển du lịch sinh thái đã góp phần bảo tồn làng nghề - bảo tồn một nét đẹp trong đời sống lao động và văn hóa xứ Quảng.
Làng Lụa Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam là thành viên sáng lập của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và tơ lụa châu Á
Đưa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam ra thế giới
Hướng đến xây dựng Làng lụa Hội An trở thành “điểm đến”, thành trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước, tạo nền tảng để phục hồi lại các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam nói riêng và nghề ươm tơ dệt lụa-thổ cẩm truyền thống của Việt Nam nói chung, UBND thành phố Hội An phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ V năm 2019.
Dự kiến sẽ có 17 thành viên của Hiệp hội Tơ lụa thế giới như Italy, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia... tham gia sự kiện. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp sản xuất tơ lụa hàng đầu Việt Nam như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk... và các làng nghề tơ lụa, thổ cẩm nổi tiếng như: Cơ Tu (Quảng Nam, Đà Nẵng), Chăm (Ninh Thuận), Khơme (An Giang), H’mông (Hà Giang), Nha Xá (Hà Nam), làng dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), Tân Châu...
Điểm nhấn của Festival là 80 nghệ nhân đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước trình diễn kỹ thuật dệt, nhuộm truyền thống giới thiệu thổ cẩm Hà Giang, nghệ thuật dệt Khơme (An Giang), thổ cẩm Cơ Tu (Quảng Nam, Đà Nẵng)...
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động phong phú khác như hội thảo khoa học Ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại; lễ dâng hương Bà chúa Tằm tang; khu trưng bày sản phẩm lụa và thổ cẩm Việt Nam; giao lưu trao đổi kinh nghiệm về sản xuất tơ lụa-thổ cẩm; tour tham quan, thưởng ngoạn các làng nghề tơ lụa truyền thống Dòng sông tơ lụa Quảng Nam ven sông Thu Bồn (nơi sẽ khôi phục 5.000 ha dâu hai bên bờ trong thời gian tới) và trình diễn thời trang-nghệ thuật thực cảnh văn hóa tơ lụa...
Bên cạnh tôn vinh, quảng bá nghề ươm tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm truyền thống của Việt Nam, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ V năm 2019 còn nhằm kết nối, tìm kiếm thị trường, từng bước đưa sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam đến với thị trường quốc tế.