Điện Biên Đông là vùng đất giàu tiềm năng di sản, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, là sự hội tụ của những cảnh quan đặc sắc cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa. Đây là vùng tập trung khá đông người Mông cùng với sự phong phú của văn hóa vật chất. Thể hiện đặc sắc hơn cả là văn hóa trên kỹ thuật tạo hoa văn trên vải; trang phục, trang sức và cách phối màu. Hiện nay, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải; trang phục và người Mông đang có phần mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không được kiểm kê, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.
Kỹ thuật vẽ sáp ong: Ngày nay, đồng bào Mông ở xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông vẫn còn lưu giữ được kỹ thuật in, vẽ sáp ong. In sáp ong là dùng khuôn có chạm khắc các hoạ tiết trang trí từ trước rồi nhúng vào sáp ong được đun nóng và dập lên vải trắng. Còn vẽ sáp ong các nghệ nhân dùng bút vẽ riêng và chấm vào bát sáp ong, vẽ theo ý thích của mình. Người Mông có riêng một bộ bút 8 chiếc với các kích cỡ, hình thù khác nhau để tạo ra những hoa văn độc đáo. Khi khô, sáp ong đông đặc như sáp nến, người ta mang đi nhuộm chàm nhiều lần và phơi khô. Khi phơi không được phơi chỗ nắng quá sáp ong sẽ bị tan hết. Cuối cùng, người ta đem luộc tấm vải đó với nước sôi, sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan ra để lộ các đường trắng của vải, sản phẩm hoàn thiện tạo thành hoa văn trắng trên nền chàm xanh.
Trang phục truyền thống: Văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người trong đó. Y phục ngoài màu sắc và hoa văn trên đó, cũng như trang sức ở cư dân miền núi, là nét đẹp văn hóa truyền thống vừa nói lên tính đa dạng, phong phú của tộc người đó, vừa nói lên tính cách, tâm lý và trình độ thẩm mỹ. Đặc biệt nổi trội là trang phục nữ (y phục và trang sức).Trang phục nữ là biểu hiện rõ nét sự lâu bền nhất, thường xuyên nhất của bản sắc văn hóa dân tộc. Tất nhiên ta không cho rằng nó là bất biến, mà quy luật của văn hóa trang phục là biến đổi và phát triển, nhưng quan trọng là nó vẫn giữ được nền tảng văn hóa phản ánh những khía cạnh của văn hóa dân tộc.
Dân tộc Mông trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 2 ngành là Mông Trắng và Mông Đỏ. Thường trang phục của phụ nữ Mông trắng, trên lưng áo có nhiều hoa văn hình học như hình vuông, hình chữ nhật, hình quả trám, xoáy ốc hay hình tròn. Trang phục của phụ nữ Mông Đỏ, các họa tiết trang trí chỉ tập trung trên hai ống tay áo và phía trước ngực. Các hoa văn thường là hình bông hoa, hình vuông, hình chữ nhật và hình tam giác… Trước đây họ thường dệt vải bằng sợi lanh đem nhuộm để tự may trang phục, họ trang trí các hoa văn trên trang phục của mình với các hoa văn bằng cách thêu tay hay vẽ bằng sáp ong (với ngành Mông đỏ). Nhưng do thời gian để làm ra một bộ trang phục của nữ rất lâu, có khi đến một năm mới làm xong một bộ nên trong thời buổi kinh tế hàng hóa phát triển, họ chuyển sang sử dụng các loại vải công nghiệp để may trang phục hay mua sẵn để mặc. Trang phục của họ bớt rườm rà hơn nhưng vẫn giữ bản sắc của dân tộc mình.
Trang phục của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn đẹp từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân. Họa tiết tập trung ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo phía trước.
Bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng. Áo có cổ lật ra phía sau gáy, thắt lưng buông hai dải dài phía sau. Váy có tấm vải che đằng trước, vuông vải che ở phía mông. Trang phục còn có thêm khăn quấn đầu, xà cạp quấn chân và tấm áo khoác ngoài không có tay, có cổ lật ra phía sau gáy.
Trẻ em và nam giới, thường mặc áo, quần, mũ, giày. Trang phục của nam giới gồm khăn đội đầu, áo và quần. Trước kia áo màu trắng nay là mầu chàm bốn túi xẻ ngực, cúc vải đính theo nẹp ngực, cổ đứng có viền chỉ màu xung quanh. Quần nam may theo kiểu chân què, đũng quần thấp và doãng khi mặc cạp bắt chéo, hai bên dắt vào bên trong rồi dùng dây hoặc dây lưng buộc chặt bên ngoài. Dây lưng là mảnh vải màu trắng có thêu ở hai đầu. Trang phục của người Mông trong những ngày lễ, tết, cưới, đi chợ là những bộ quần áo mới đẹp có thêu hoa văn.
Trang phục của người Mông hiện nay còn bảo lưu được khá nhiều các mẫu hoa văn cổ về cả mô típ cũng như mầu sắc hoa văn được trang trí chủ yếu trên tay áo, lưng áo, cổ áo, váy, địu trẻ em và khăn gối đầu cho người chết. Để thể hiện tốt nhất những nét trang trí, tạo hình trang phục, điều quan trọng phải chuẩn bị vải nền thật tốt. Vì vậy, ngay từ khâu dệt, người phụ nữ đã dệt tấm vải nền theo một kỹ thuật sao cho các sợi vải không quá sít với nhau, dành ra những khoảng cách nhỏ li ti tạo điều kiện thuận lợi cho việc đếm sợi, bố cục các hoạ tiết khi thêu. Một số khăn đội đầu của phụ nữ Mông còn được làm bằng loại vải lanh trắng dệt kẻ ô vuông bằng các sợi tím hoặc đỏ sẫm.
Về kỹ thuật tạo hình, đồng bào sử dụng tối đa các kỹ thuật khác nhau, gồm có: thêu chỉ màu, ghép vải màu và in sáp ong. Các kỹ thuật tạo hình này được phối hợp hài hoà và hợp lý trên bộ trang phục. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện đồ án trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo... Đó là cách làm riêng của người Mông, khác các dân tộc anh em đã thể hiện trang trí ngay trên thành phẩm của mình. Họ dệt áo và váy từ những loại chỉ và mảnh vải nhiều sắc màu. Những ô trang trí những đường diềm hình chữ thập, chữ đinh, chữ công được chuyển biến một cách hết sức phong phú, đa dạng, tài tình, kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc trong các thể bố cục khác nhau lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo cho đồ án trang trí hoa văn của người Mông có vẻ linh hoạt, không những thể hiện trên thân váy vẽ bằng sáp ong, mà cả trên thể loại khác, cho thấy trang trí hoa văn Mông có một phong cách riêng biệt đặc sắc, không hề lẫn lộn với các trang trí của dân tộc khác.
Về họa tiết trang trí trên trang phục, ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng, người Mông còn thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S. Đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa, không đơn điệu - chỉ thấy xuất hiện trong trang trí y phục của người Mông. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của nhiều cư dân, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí Mông.
Họa tiết trang trí trên trang phục người Mông gồm một số tổ hợp phổ biến sau:
Tổ hợp mô típ hoa văn hình trám xen với mô típ đường thẳng song song: Các băng hoa văn theo quy luật đối xứng, ở giữa là các hàng hoa văn hạt dưa, hai bên là các đường gạch dài song song ở trên cổ áo.
Tổ hợp mô típ hoa văn hình chữ S xen giữa mô típ hoa văn hình răng cưa: Tổ hợp này cũng gồm các băng hoa văn đối xứng với nhau giữa hình chữ S. Hai bên có dải hoa văn hình răng cưa. Điển hình cho tổ hợp này là được trang trí hoa văn in sáp ong ở trên thân váy. Cũng có khi, tổ hợp này được giản lược chỉ còn lại dải hoa văn hình răng cưa ở giữa, các đường thẳng song song chạy hai bên như hoa văn trên cổ áo. Tổ hợp hoa văn hình đồng tiền xen giữa các đường gạch dài: Tổ hợp này cũng mang tính cân đối với băng hoa văn đồng tiền ở giữa. Hai bên là các đường gạch dài chạy song song như hoa văn in sáp ong trên thân váy.
Ngoài các tổ hợp hoa văn cơ bản kể trên còn có một số tổ hợp hoa văn khác nhưng xuất hiện không nhiều. Bố cục hoa văn trang trí còn được thể hiện ở cách bố trí xen ghép giữa các tổ hợp hoa văn chính với các tổ hợp hoa văn làm nền. Những mảng trang trí thường là đường diềm thể hiện bằng các kỹ thuật in sáp ong, ghép vải mầu và thêu chỉ mầu. Những mảng hoa văn chính thường là rộng, nét đậm và dầy hay ghép vải với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng hiệu quả màu sắc vẫn sáng, thoáng. Người nghệ nhân tạo hình đã cho thấy trình độ thẩm mỹ cao qua việc sử dụng khá tài tình các bảng mầu nền, các mô típ hoa văn in sáp, ghép vải và thêu cùng một lúc xuất hiện trên cùng một sản phẩm nhưng các sắc độ mầu vẫn khác nhau, các mảng sáng - tối rất hài hoà Tất cả những mô típ hoa văn trên vải của đồng bào đều được thể hiện dưới dạng hình học và hiện thực được hình thành trên cơ sở sợi ngang và kỹ thuật dệt trên khung cửi. Màu sắc hoa văn trên vải phản ánh tư duy thẩm mĩ cũng như cá tính, ước vọng của con người. Bảng màu trên trang phục của người Mông gồm có 5 màu: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo vừa là màu nền trung gian vừa tạo các mô típ chính làm nên sắc màu rực rõ của hoa văn trên vải, đặc biệt là trên trang phục.
Về kỹ thuật thêu, trên cổ áo và tay áo, các mảng trang trí hoa văn bằng kỹ thuật thêu xoắn chỉ thì bao giờ cũng được điểm xuyết thêm những đường viền vải mầu bao quanh từng mảng hoa văn nhỏ, bao quanh cả mảng hoa văn lớn, tôn các đường nét hoa văn mầu sặc sỡ của chỉ thêu, tạo cho cả mảng hoa văn nổi bật trên nền mầu chàm sẫm, không chỉ đẹp ở kỹ thuật cắt may mà còn rất dễ gây ấn tượng qua các mô típ trang trí và màu sắc hoa văn. Những người phụ nữ Mông thêu hoa văn không cần mẫu. Chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm to, vừa bền sợi, vừa bền màu. Đặc biệt, sắc màu óng nuột của tơ tằm sẽ làm tăng vẻ đẹp của hoa văn, làm cho hoa văn càng thêm mượt mà. Người phụ nữ Mông có cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tượng, hoàn toàn dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn. Hầu như ai cũng thuộc sẵn mẫu hoa văn mà mình thích. Họ không cần phải nhìn vào mẫu mà vẫn thêu được những hoạ tiết đẹp. Trước khi thêu, họ phải tính toán tỉ mỉ, đếm từng sợi chỉ, nhớ từng kích thước từng hoạ tiết trang trí trong toàn bộ mảng hoa văn. Kỹ thuật thêu đột dùng cho khăn đội đầu càng phức tạp hơn vì người ta thêu ở mặt trái của vải nhưng các hình mẫu của sản phẩm lại nổi lên ở mặt phải, đòi hỏi người phụ nữ phải thật kiên trì, cẩn thận vì nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, nhầm một mũi kim, tính sai một sợi vải là đã khiến cho mũi thêu bị sai lệch.
Về kỹ thuật chắp vải mầu của người Mông, chắp vải rất dầy, nhiều lớp đè lên nhau, tạo thành các đường viền lé mầu bao quanh các hình, các đường nét, chứng tỏ một kỹ thuật thành thạo, có truyền thống riêng khác hẳn các dân tộc anh em. Mầu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam. Ngay trên các đồ án hoa văn vẻ sáp ong nhuộm mầu chàm người ta cũng ưa ghép thêm hình vải mầu đỏ - trắng, xanh - trắng, rực sáng tươi vui. Đó cũng là điều khác biệt trong trang phục của các ngành Mông khác nhau.
Kỹ thuật ghép vải tạo hoa văn cũng được người phụ nữ Mông sử dụng để tạo thành các băng dải, các khoang vải màu khác nhau ở cổ áo, ống tay, nẹp ngực và cả khoang dài gẫu váy, vuông vải che váy (tạp dề). Kỹ thuật ghép vải không chỉ tạo ra các khoang mảng màu mà còn tạo ra các đường nét hoa văn. Trên hình chữ nhật ở cổ áo của người Mông đã xuất hiện nhiều kiểu hoa văn hình học bằng kỹ thuật ghép vải. Các đường nét hoa văn nhỏ, phức tạp ở yếm, cổ tay áo cũng đều là vải ghép. Vải ghép khá tỉ mỉ, thường là có gam màu nóng hoặc vải trắng làm diềm nhỏ bao bọc cho các hoạ tiết hoăc tự tạo thành một mô típ hoa văn riêng biệt.
Kỹ thuật vẽ sáp ong, thêu, tạo hoa văn trên trang phục của người Mông ở xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông thể hiện ước mong của đồng bào về sự ấm no, hạnh phúc.