Nguồn gốc của điệu nhảy Bon Odori
Nói về nguồn gốc của điệu nhảy Bon Odori thì phải nhắc đến nguồn gốc của lễ hội Obon này.
Lễ hội Obon của Nhật Bản đã tồn tại hơn 500 năm, xuất phát từ Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành. Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ chỉ dẫn của Phật, cùng sự giúp sức của chư tăng, mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên đã được giải thoát khỏi những trừng phạt phải nhận sau khi chết. Cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của mẹ, để tỏ lòng biết ơn, Bồ tát Mục Kiền Liên đã nhảy điệu múa vui vẻ, đó chính là nguồn gốc của điệu nhảy Bon Odori ngày nay.
Điệu nhảy Bon Odori hiện nay
Điệu nhảy Bon-Odori hiện nay đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau và ngay cả nhạc nền cũng tùy theo từng vùng. Kiểu truyền thống điển hình là các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura, cũng là sân khấu nơi ca sĩ và nhạc công trình diển. Có kiểu nhảy khác, vũ công lại nhảy múa trên hàng thẳng. Có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khắn đầy màu sắc gọi là Tenugui. Mỗi kiểu múa đều xuất phát từ lịch sử và đặc trưng riêng của từng vùng.
Ví dụ như Soran Bushi là tên bài hò kéo biển, các cử chỉ khi múa để diễn tả động tác kéo lưới. Hay như bài Tanko Bushi lại nói về việc khai thác than tại mỏ Miike thuộc khu Kyushu. Quá trình đào than, treo đèn lồng, đẩy xe được lồng ghép rất tinh tế vào trong điệu múa. Người Nhật cũng dùng nhiều vật dụng như quạt, khăn, lắc chuông để phụ họa thêm, còn đối với các vũ công Hanagasa Odori, họ lại dùng mũ rơm được trang trí hoa.
Bon-Odori có vũ điệu và âm nhạc khác nhau tùy theo từng vùng. Trong lễ hội Obon, bất cứ người dân nào cũng có thể tham gia, tuy không bắt buộc về trang phục dự lễ, nhưng để cảm nhận rõ nét về những vũ điệu trong lễ hội, bạn hãy trang bị cho mình một bộ Yukata phù hợp.