Múa bài bông hay còn gọi là bắt bài bông, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa bài bông). Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ là một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc trên 700 tuổi, xuất hiện từ thời Trần.
Theo truyền thuyết và các nghiên cứu gần đây, điệu múa này ra đời thời nhà Trần. Thái sư Trần Quang Khải đã dựng nên điệu múa này để ca múa trong ngày lễ thái bình diên yến của vua Trần Nhân Tông.
Múa bài bông thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của giáo phường như ngày giỗ tổ ca trù vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Bên cạnh đó, trong không gian cửa quyền tức là hát tại các dinh quan, đám khao vọng chúc thọ lớn, điệu múa này cũng được sử dụng. Những nghệ nhân ca trù vẫn coi múa bài bông như một điệu dùng để múa chầu, múa ngự.
Đội múa trong điệu múa bài bông có ít nhất là 4 người theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi: hoặc 8 hoặc 16, những dịp đại lễ thì phải 32 người múa.