Thăng Long - Hà Nội không chỉ mang trong mình một bề dày lịch sử mà còn ẩn chứa nhiều nét tinh hoa văn hóa đặc sắc. Kho tàng múa cổ Thăng Long mang nét độc đáo và có sức sống bền vững theo năm tháng cùng lịch sử tồn tại đến ngày nay.
Từ thời nhà Lý dời đô ra Thăng Long đã thu hút nghệ nhân cả nước về sinh sống và sáng tạo nghệ thuật, múa cổ ngày càng phát triển cùng với sự đa dạng của các loại hình. Những điệu múa cổ luôn có một sức hút mang vẻ đẹp của văn hóa, tín ngưỡng.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, hiện Hà Nội có gần 100 điệu múa cổ chia thành các thể loại múa dân gian, cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong số các điệu múa cổ còn lại, độc đáo nhất phải kể đến màn múa chạy cờ (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), múa bồng của làng Triều Khúc, múa rắn ở Lệ Mật, múa roi ở làng Cót, múa chén làng Mọc, múa rồng lửa ở Khương Thượng, múa đèn trong lễ hội Đền Hai Bà Trưng…
Múa chạy cờ của làng Triều Khúc (Thanh Trì), khởi nguồn từ khi hào trưởng Phùng Hưng khởi nghĩa năm 791 sau Công nguyên chống quân xâm lược nhà Đường. Điệu múa diễn ra trong tiếng hô, hò, trống, phách, tù và với từng tốp cờ, vừa múa vừa chạy tạo ra khí thế sức mạnh.
Đây là điệu múa trong lễ hội làng, diễn ra trong tiếng trống hò, trống phách với các tốp cờ, vừa múa, vừa chạy, tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết, có thể chiến thắng mọi kẻ thù.