Đây là điệu múa được làng Triêu Khúc huyện Thanh Trì, Hà Nội duy trì và phát huy rất tốt, đội múa trống Bồng năm nay gồm hai đôi đều là nam giới cải trang thành nữ chít khăn mỏ quả, mặc áo váy, phấn son đeo trống bồng biểu diễn trong tiếng nhạc, chuông trống. Từ xa xưa, múa trống bồng hay còn gọi là múa “con đĩ đánh bồng” nam đóng giả nữ để múa. Hai vũ công mỗi người đeo 1 chiếc trống bồng trước bụng. Điệu múa trống bồng vui nhộn, nhí nhảnh và hấp dẫn, thường được múa trong những ngày hội làng, hội đình, mang ý nghĩa chúc tụng nhà vua. Những điệu múa trống bồng không mang màu sắc mê tín mà mang tính "thiêng".Sở dĩ gọi là “cặp đĩ” vì người múa trống bồng phải là trai chưa vợ, có khuôn mặt khôi ngô, trắng trẻo, mặc váy áo và tô môi đỏ đóng giả nữ, đặc biệt phải có tài nhảy múa, lúc biểu diễn phải toát lên vẻ... lẳng lơ. Khăn mỏ quạ chít đầu phải mượn của mẹ, chị hoặc em gái.
Cứ mỗi lần trong đình dâng lễ vật, dâng rượu là bên ngoài, trống chiêng khua lên inh ỏi, từng đôi nam đóng giả nữ sắm vai con đĩ đánh bồng với phấn son, váy áo rực rỡ, đeo trống qua cổ thể hiện tài nghệ trước hàng ngàn khán giả...
Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa là thanh la, trống và chiêng. Khi múa, 2 đôi múa phải thể hiện phong thái vừa phóng khoáng, vừa dứt khoát, mạnh mẽ, mềm mại; khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đảo người linh hoạt.