Triều Khúc chính là nơi sinh ra nghệ thuật múa trống bồng, điệu múa chỉ được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.
Múa trống bồng còn có tên gọi dân gian là “con đĩ đánh bồng”. Điệu múa vui nhộn, nhí nhảnh và hấp dẫn, thường được múa trong những ngày hội làng, hội đình vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Đó là hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai chưa vợ, giả trang nữ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và có tài nhảy múa trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ, đeo trống bồng dài, nhỏ trước bụng.
Múa trống bồng vốn là điệu múa của con gái vì con gái bao giờ cũng múa dẻo nhưng do quan niệm từ ngày xưa con gái không đuợc vào nơi thờ cúng thần linh nên múa trống bồng chỉ chọn thanh niên trai tráng. Tương truyền, khi đại quân của Phùng Hưng đánh thành Tống Bình, ông giấu quân tại làng Triều Khúc, dân sở tại đã dùng múa bồng để động viên tướng sĩ trước khi vào trận. Từ đó trở đi, múa bồng được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.
Điệu múa ở Triều Khúc được thực hiện bởi 6 nam nhân khỏe mạnh, mặt hoa, da phấn, môi son, mặc đồ giả gái, khoác Trống Bồng trước ngực, quấn quýt bên nhau và nhảy những điệu múa cực kỳ mềm mại, tình tứ đến “lơi lả”.
Múa Trống Bồng có khoảng 36 điệu nhưng chủ yếu có ba động tác chính: Đánh Trống Bồng đi ngang, uốn tay như bông hoa và lượn tay vuốt xuống tang trống. Múa trống bồng kết hợp vừa nhảy nhỏ, vừa vỗ trống, với bước chân chéo dài, động tác vung tay rộng qua mặt trống. Những bước giáp lưng để xoay người, đổi chỗ cho nhau, những động tác lắc đều, cuộn bàn tay, nhún mềm, nhảy nhót trong tiết tấu vui tai nhịp 2/4 làm cho điệu múa sôi động, phóng khoáng, mạnh mẽ. Cùng với đó là hai điệu múa chủ đạo: Vuông - tròn luôn đi với nhau, hài hòa, quấn quýt, nương tựa vào nhau xuyên suốt từ đầu đến cuối điệu múa với mong ước cho mọi điều trong năm được vuông tròn, suôn sẻ, hanh thông…
Được biết, múa Trống Bồng có mặt ở nhiều làng quê Hà Nội như: Thụy Khuê, Thủ Lệ, Nhật Tân, Hào Nam, Lệ Mật, Đa Hòa… Tuy nhiên, ở mỗi địa phương múa Trống Bồng mang những đặc trưng khác nhau. Ở Triều Khúc, những chàng trai hóa trang thành các cô gái má phấn môi son, vận trang phục mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, cổ khoác chiếc Trống Bồng nhảy những bước nhảy linh hoạt, thướt tha, uyển chuyển và mềm mại… Không chỉ động tác, mà ánh mắt, nụ cười của các chàng trai rất biểu cảm. Chính điều này lại tạo nên đặc sắc của múa Trống Bồng Triều Khúc.