Người Khơ Mú ở tỉnh Yên Bái có khoảng 1.500 người, cư trú tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn và xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Người Khơ Mú vốn có văn hóa truyền thống lâu đời và luôn biết gìn giữ phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Khơ Mú gồm có: khăn piêu màu đen đội đầu, áo cỏm màu đen với hàng cúc ở ngực, nếu cúc hình chữ nhật thì gọi là "mặc pam”, còn hình con bướm thì gọi là "mặc pem”, ngoài ra còn có dây lưng, váy, xà cạp, chùm cài đầu, bộ xà tích thắt lưng… Khăn đội đầu được may bằng vải đen dài khoảng gần 2 m, rộng bằng một khổ vải hẹp 30 cm.
Ngày nay, khăn đội đầu của phụ nữ người Khơ Mú được trang trí thêm các họa tiết hoa văn bằng chỉ thêu, những sợi tua và hoa vải màu ở hai đầu khăn. Mảng trang trí đẹp mắt này là sự giao thoa văn hóa giữa người Khơ Mú với người Thái trong vùng. Do vậy, loại khăn này cũng được gọi là "khăn piêu” như cách gọi của người Thái.
Bằng cách phối nhiều màu sắc và kỹ thuật thể hiện, các mô tít hoa văn trên khăn piêu trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ mang tính đặc trưng riêng. Khi đội khăn, người Khơ Mú đã biết tạo cho mình một phong cách riêng biệt.
Cách đội khăn piêu của người Khơ Mú khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của người Thái. Trước khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn tóc cho búi tóc đẹp. Sau đó, chị em mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, một đầu khăn thả sau gáy, buông quá vai xuống lưng, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn.
Trang phục của nam giới gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.
Trang phục là một trong những nét văn hóa đặc trưng. Vì thế, đồng bào Khơ Mú đang tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp này.