Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Nghệ thuật biểu diễn Nhạc kịch

Đăng bởi Linh MARU | 15/06/2020 | 0 bình luận
Nghệ thuật biểu diễn Nhạc kịch

Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch (hỉ, nộ, ái, ố) được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, động tác và các khía cạnh kỹ thuật sân khấu; tất cả hợp thành một thể thống nhất. Mặc dù không tránh khỏi sự pha tạp với các loại hình sân khấu khác như opera và múa nhưng có thể phân biệt được nhạc kịch do loại hình này thể hiện tính bình đẳng giữa âm nhạc với lời nói, động tác và các yếu tố khác.

Nhạc kịch hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Người ta diễn nhạc kịch trên các sân khấu lớn - chẳng hạn các vở nhạc kịch West End (Luân Đôn) hay Broadway (New York) với chi phí đầu tư cao - hay là trên các sân khấu nhỏ hơn, cũng có thể tổ chức thành chuyến lưu diễn hoặc chỉ đơn thuần diễn không chuyên tại trường học hay các nơi chốn khác.

Nhạc kịch sách

Từ thế kỷ XX trở đi, thuật ngữ "nhạc kịch sách" (tiếng Anh: book musical) được định nghĩa là vở nhạc kịch có phần ca khúc và nhảy múa được tích hợp hoàn toàn thành một câu chuyện cân đối có ý đồ sân khấu nghiêm túc (có khả năng gợi lên các cảm xúc chân thật chứ không chỉ là gây cười). Ba thành tố chính của một vở nhạc kịch sách là: âm nhạc, lời nhạc và "sách". "Sách" ở đây được hiểu là kịch bản, nghĩa là câu chuyện, sự phát triển nhân vật và cấu trúc vở kịch (bao gồm cả phần đối thoại và phần chỉ đạo sân khấu); tuy nhiên, cũng có trường hợp "sách" có nghĩa là phần đối thoại và lời nhạc; trường hợp này tiếng Ý gọi là libretto ("cuốn sách nhỏ"). Âm nhạc và lời nhạc là hai yếu tố cấu thành phần nhạc (score) của vở nhạc kịch. Tuy nhiên, cách biểu đạt ý tưởng của đội ngũ các nhà sáng tạo mới là yếu tố ảnh hưởng mạnh lên lối trình diễn nhạc kịch. Đội ngũ sáng tạo ở đây bao gồm giám đốc, giám đốc âm nhạc, biên đạo múa và thỉnh thoảng có thêm nhạc trưởng. Mỗi phiên bản nhạc kịch lại cũng mang những đặc điểm riêng có do sự khác biệt về khía cạnh kỹ thuật, chẳng hạn thiết kế sân khấu, trang phục, đồ dùng sân khấu, âm thanh, ánh sáng; do vậy, đối với một vở nhạc kịch thì các phiên bản sau có thể mang nét khác khi so với nguyên bản.

So sánh với opera

Cho dù có mối quan hệ gần gũi với opera nhưng nhạc kịch khác opera ở nhiều điểm. Nhìn chung, nhạc kịch dành nhiều sự tập trung hơn cho các đoạn hội thoại (mặc dù có những nhạc kịch chỉ có hát từ đầu chí cuối, và cũng có những vở opera - lấy ví dụ là opera Die Zauberflöte - và phần lớn các vở operetta mà trong đó lại có những đoạn hội thoại không có nhạc đệm) và cho nhảy múa. Nhạc kịch cũng sử dụng nhiều thể loại nhạc đại chúng (hoặc chí ít là phong cách hát đại chúng) và tránh rơi vào các quy ước của opera. Nói cụ thể thì nhạc kịch hầu hết được diễn bằng ngôn ngữ của khán giả.

Một số tác phẩm của các tác giả như George Gershwin, Leonard Bernstein và Stephen Sondheim được người ta chuyển thể cả sang nhạc kịch lẫn opera. Tương tự, một số vở operetta (ví dụ The Pirates of Penzance của Gilbert và Sullivan) được chuyển thể thành nhạc kịch. Đối với một số tác phẩm, phong cách sản xuất bản chuyển thể có tầm quan trọng sánh ngang với phần nội dung trong việc định thể loại cho tác phẩm chuyển thể là opera hay là nhạc kịch. Tác giả Sondheim phát biểu: "Tôi thực sự cho rằng nếu thứ gì được diễn ở Broadway thì thứ đó là nhạc kịch, còn nếu thứ gì được diễn trong nhà hát opera thì thứ đó là opera. Thế thôi. Chính cái địa thế và kỳ vọng từ phía khán giả sẽ quyết định nó là thứ này hay cái kia. Trong thực tế, vẫn tồn tại sự chồng lấn giữa thể loại opera nhẹ (light opera) với thể loại nhạc kịch phức tạp. Không dễ phân biệt giữa loại hình sân khấu này với loại hình sân khấu kia.

Các hình thức khác

Châu Á có rất nhiều loại hình sân khấu kèm âm nhạc, chẳng hạn hí khúc của Trung Quốc, kịch Nō của Nhật Bản, kịch Sanskrit và Yakshagana của Ấn Độ. Từ thế kỷ XX trở đi, Ấn Độ sản xuất ra vô số phim nhạc kịch được người ta gọi là nhạc kịch "Bollywood". Nhật Bản thì sản xuất chuỗi nhạc kịch dựa trên anime và manga.

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: