Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Người trẻ gìn giữ cổ phong bằng điện ảnh

Đăng bởi MARU Yến | 11/07/2020 | 0 bình luận
Người trẻ gìn giữ cổ phong bằng điện ảnh

Đây là dự án phim cung đấu thuần Việt được những người yêu cổ phong (trào lưu tìm lại, phục dựng hoặc phỏng dựng lịch sử, văn hóa, phong tục lâu đời của dân tộc) kỳ vọng sẽ làm nên chuyện bởi sự công phu và tâm huyết của ekip trẻ này.

Khi làn sóng cổ phong trong giới trẻ phủ rộng ở nhiều lĩnh vực như văn chương, truyện tranh, âm nhạc, hội họa, thiết kế... thì điện ảnh cũng không ngoại lệ. Vài năm gần đây, các bộ phim tìm về và tôn vinh văn hóa dân tộc bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. 

Trang phục và tạo hình nhân vật trong phim “Phượng Khấu” được đánh giá là bám sát chính sử.

Tạo nên dấu ấn có thể kể đến “Song lang” (tái hiện nghệ thuật cải lương ở giai đoạn hoàng kim 1960 - 1970), “Cô Ba Sài Gòn” (chiếc áo dài), “Mẹ chồng” (vẻ đẹp của áo bà ba)... Khi dòng phim cung đấu của Trung Quốc như “Như Ý truyện”, “Diên Hi công lược”... làm mưa làm gió ở Việt Nam thì một số nghệ sĩ trong nước cũng làm phim cung đấu để câu kéo khán giả. Tuy nhiên, họ vẫn mượn trang phục của nước bạn và câu chuyện hoàn toàn ngoại lai. 

Đứng trước điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và những người yêu văn hóa Việt không khỏi trăn trở: Các triều đại phong kiến nước ta có biết bao câu chuyện thâm cung bí sử hấp dẫn đâu thua kém, tại sao không khai thác?

Hòa vào trào lưu cổ phong đang lên và nắm bắt “cơn khát” của khán giả, Huỳnh Tuấn Anh bắt tay thực hiện “Phượng Khấu”. “Phượng Khấu” ra đời từ sự bén duyên giữa các bạn trẻ trong nhóm “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” - nhóm chuyên khảo về chuyện hậu cung Việt Nam - với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vào giữa năm 2018. Đây có thể được xem là phim cung đấu thuần Việt đầu tiên khi khai thác về nội cung triều Nguyễn. 

Cụ thể, bộ phim xoay quanh cuộc đời của Từ Dụ Thái hậu, một người phụ nữ hiền đức và có vai trò quan trọng suốt 10 đời hoàng đế triều Nguyễn. Nội dung phim xoay quanh quãng thời gian 1840 – 1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị. 

Vượt qua những âm mưu, hiểm nguy tầng tầng lớp lớp từ những người đàn bà trong nội đình, bà cuối cùng đã thành công trong việc đưa con trai của mình – Hồng Nhậm – lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức), còn bà được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu.

“Phượng Khấu” là từ Hán Việt, nghĩa là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên hai vạt áo Nhật bình. Câu chuyện phim không chỉ đưa khán giả đến âm mưu, đấu đá chốn thâm cung, mà qua đó, còn là lời tiếc thương cho thân phận phụ nữ ngày xưa trong chốn cung cấm. 

Mỗi nữ nhân đều có một câu chuyện riêng, một động cơ riêng dẫn đến những hành động của mình. Nhưng trên hết, “Phượng Khấu” là một câu chuyện muôn bậc cảm xúc của người phụ nữ: có hạnh phúc, có đố kị, ghen ghét, có tự hào và cũng có thất bại. Song song đó là câu chuyện tranh quyền đoạt vị ngấm ngầm giữa các hoàng tử cho ngai vàng tương lai, Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Khác với nhiều bộ phim lịch sử, cổ trang trước đây, điều khiến dư luận đặc biệt chú ý đến “Phượng Khấu” là bởi ekip phỏng dựng rất sát trang phục, lễ tiết, ẩm thực... chốn cung đình triều Nguyễn. Đây được xem là dự án đầu tiên nghiên cứu và sử dụng chính xác nhất có thể trang phục thời Nguyễn để đưa vào sử dụng trong phim. 

Toàn bộ trang phục đều được thực hiện bởi “Ỷ Vân Hiên” – đơn vị độc lập chuyên nghiên cứu và phục dựng cổ phục. Riêng phần mũ mão thì có sự trợ giúp của nghệ nhân Vũ Kim Lộc - người chuyên phục chế mũ mão triều Nguyễn.

Nội dung phim cũng cố gắng bám sát chính sử (chỉ hư cấu khoảng 50%). Để làm được điều này, “Phượng Khấu” nhận được sự cố vấn của hai cây “đại thụ” trong giới nghiên cứu sử học là GS Lê Văn Lan và TS Nguyễn Khắc Thuần cùng sự trợ giúp của nhóm “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi”. 

Tôn Thất Minh Khôi (22 tuổi), thành viên nhóm "Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” và đồng biên kịch “Phượng Khấu” cho hay: “Bộ phim không chỉ giúp khán giả hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử thăng trầm mà còn đem đến những giá trị văn hóa, lễ nghi, tín ngưỡng, âm nhạc, thơ văn, ẩm thực… của triều đại nhà Nguyễn. Đây là dự án mà tôi và nhiều người tâm huyết ấp ủ từ lâu để lan tỏa những giá trị, di sản cha ông đến cộng đồng”.

Bấm máy chính thức vào tháng 8 tới, bộ phim quy tụ rất nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, từ những những gương mặt tiền bối như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Hồng Đào, NSND Hồng Vân, NSƯT Minh Trang… đến thế hệ nghệ sĩ trẻ đang lên như Thanh Tú, Jun Phạm, Diễm My 9X... 

Trong đó, nghệ sĩ Hồng Đào đảm nhận vai Thái hậu Từ Dụ. Huỳnh Tuấn Anh cho biết, anh cương quyết không biến “Phượng Khấu” thành phim chiếu rạp mà đi theo thể loại Original Series (tức phim nguyên gốc dài tập) với chất lượng không thua kém phim nhựa. 

Dự kiến phim sẽ có 18 tập, mỗi tập dài 60 phút và phát sóng vào đầu năm 2020 trên nền tảng truyền hình trả phí và YouTube. Đây là cách để ekip đi sâu hơn về nội dung, phô diễn nét đẹp lịch sử - văn hóa triều Nguyễn, đồng thời giúp cho khán giả mọi nơi đều có thể thưởng thức tác phẩm, lan tỏa và tự hào về một thời kì vàng son nhung gấm.

“Lâu nay, chúng ta vẫn nhắc về chính sử với những gương mặt nam nhân mà quên mất những người phụ nữ hoặc nhắc đến rất ít ỏi, mờ nhạt. Trong khi họ đóng một vai trò không hề nhỏ làm nên những biến động triều chính. Tôi tin hậu cung là đề tài hấp dẫn của điện ảnh Việt Nam mà “Phượng Khấu” là bộ phim tiên phong để lịch sử được nhìn nhận công bằng và hấp dẫn hơn với thế hệ trẻ” – GS Lê Văn Lan đánh giá.

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: