Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Thời Trang Miền Nam Thập Niên 30-40

Đăng bởi Admin MARU | 18/07/2020 | 0 bình luận
Thời Trang Miền Nam Thập Niên 30-40

Trong thời kỳ thuộc Pháp, trang phục truyền thống của người Việt từ Bắc chí Nam khá đa dạng, bao gồm tầng lớp quý tộc mang nặng những quy chế cung đình cho đến sự khác biệt trong trang phục dân gian. Những năm cuối nhà Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trang phục của người Việt vẫn chịu ảnh hưởng của văn hiến áo mũ phong kiến. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị phức tạp giai đoạn đầu thế kỷ XX, từ những năm 1920 đã thúc đẩy sự tân tiến mạnh mẽ về văn hóa, xã hội và tư duy.

Nội dung bài viết này, phân tích chung những chuyển biến của trang phục, cũng như tính nhen nhóm của “thời trang” miền Nam Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XIX cho đến giai đoạn thập niên 30 – 50.

Một số chi tiết tiếp biến trong cách ăn mặc truyền thống

Theo Đất Lề Quê Thói của tác giả Nhất Thanh và nhắc lại trong Ngàn Năm Áo Mũ của nhà sử học Trần Quang Đức, phụ nữ mặc áo dài ngũ thân chủ yếu với quần lĩnh thâm, lam, đen hoặc nhiễu đỏ. Quần màu trắng kết hợp với áo dài xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, khoảng sau 1919 chỉ những ai theo Tây mới ăn vận như thế. Tuy nhiên đến những năm 1930, quần trắng được vận phổ biến với áo dài và áo bà ba. Bước chuyển biến này đã hình thành kiểu trang phục của các cô tiểu thư con nhà bá hộ Nam Kỳ ở các thập niên sau đó. Như ta vẫn thường thấy qua phim ảnh, bộ bà ba gấm lụa vận quần trắng lả lướt là loại trang phục ngày thường của đàn ông lẫn phụ nữ trong gia đình giàu có. (có thể tham khảo bộ phim truyền hình Lòng Dạ Đàn Bà của đạo diễn Hồ Ngọc Xum).

NGƯỜI TRONG ẢNH ĐƯỢC CHO LÀ CÔ BA THIỆU XỨ TRÀ VINH, VỢ HOẶC CON CỦA QUAN THÔNG NGÔN NGUYỄN TRUNG CHÁNH. CHỤP BỞI PIERRE DIEULEFILS VÀO NHỮNG NĂM ĐẦU 1930S TẠI HÀ NỘI. LÚC NÀY THIẾU NỮ NAM KỲ TRUYỀN THỐNG SANG TRỌNG MẶC ÁO DÀI NGŨ THÂN, QUẦN NHIỄU ĐỎ, TÓC VẤN CAO, MANG HÀI THÊU,…

Người trong ảnh được cho là cô Ba Thiệu xứ Trà Vinh, vợ hoặc con của quan thông ngôn Nguyễn Trung Chánh, chụp bởi PIERRE DIEULEFILS vào những năm đầu 1930 tại Hà Nội. Lúc này thiếu nữ nam kỳ truyền thống sang trọng mặc áo dài ngũ thân, quần nhiễu đỏ, tóc vấn cao, mang hài thêu...

ẢNH CHỤP GIA ĐÌNH NHÀ QUAN NGƯỜI VIỆT Ở HUẾ, KHOẢNG 1925 – 1930, BỞI M. RAYMOND CHAGNEAU. PHỤ NỮ VÀ CON GÁI ĐÃ PHỔ BIẾN VẬN ÁO DÀI VỚI QUẦN TRẮNG.

Đầu thế kỷ XX, phụ nữ Nam Kỳ thường sử dụng trang sức là chiếc kiềng cổ bằng bạc. Đến những năm thập niên 30 – 50, chuỗi ngọc trai dần thịnh hành, cách phục sức cũng đa dạng hơn khi “phối” áo dài ngũ thân với các kiểu vòng tay, chuỗi hạt nhiều vòng, nhẫn hạt xoàn,… Ở giai đoạn này, “thời trang” giày dép không chỉ có guốc mộc, mà hết sức đa dạng với các kiểu guốc gỗ gót thon nhỏ, hài thêu, hài cong hoặc giày sandals tân thời. Từ thập niên 30 dần về sau, trang phục Âu hóa nhanh chóng tại các khu vực thành thị, ngoài áo bà ba và áo dài, giới bình dân bắt đầu mặc áo sơ mi cổ 2 ve, áo kiểu cổ cánh sen.

 

Cochinchine, 1935 – Bijoux – Parures de têteNotice : Monographie dessinée de l’Indochine – Ecole d’Art de Gia Dinh. (Voir AP2556). Cochinchine : Sites et gens. Traduction baccompagnant le dessin : « Peigne (Luoc) Cure-oreille (Moc Tai) »Mots Clefs : Cochinchine Dessin 1935 Femme Parure

Đối với y phục nam giới, đặc biệt là giới trí thức, khoảng những năm 1920 – 1930, bắt đầu đón nhận sự “thực dụng” trong cách cải tiến trang phục truyền thống. Để nhanh và tiện dụng, những chiếc khăn được xếp cố định sẵn, tạo thành những chiếc khăn đóng như chúng ta biết đến ngày nay. Đồng thời, những chiếc mấn mà phụ nữ bây giờ mặc cùng áo dài trong lễ cưới, bắt nguồn từ khăn vành dây dành cho hoàng hậu, công chúa hay cung tần trong hoàng tộc. Như có thể thấy, cho đến thời Vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường vấn khăn vành gấp nếp hình chữ nhân, mặc với áo Nhật Bình và áo dài ngũ thân như một loại thường phục.

 

Chịu ảnh hưởng từ những người Pháp sống trên đất Việt

Nền văn hoá phương Tây ảnh hưởng đến Việt Nam sớm nhất tại Nam Kỳ theo bước chân của chế độ thuộc địa Pháp. Giai đoạn này, ở bờ Tây của thế giới, thời trang phát triển mạnh mẽ mà đế quốc Pháp – “kinh đô ánh sáng”, chính là nơi cho ra đời hàng loạt những thành tựu và phát kiến mới trong lịch sử thời trang. Khi người Pháp đến Việt Nam, cùng với gia đình vợ con mà từ đó, quý tộc phương Tây đã mang theo những khái niệm mới mẻ và táo bạo của cái gọi là “thời trang”. Trên vùng đất Nam Kỳ bắt đầu xuất hiện những ông Tây bà Đầm, với những chiếc đầm hở cổ, những chiếc “quần không đáy” xoè bồng bềnh, những bộ váy “cắt vải xéo” ôm nhẹ vào cơ thể, cùng những chiếc bóp đầm, giày cao gót, mỹ phẩm, nước hoa cũng như các quý ông lịch lãm trong bộ vestton, áo sơ mi, giày da, mũ phớt (homburg hat),…

 

 

Du nhập bởi giới thượng lưu theo học ở phương Tây trở về

Hai đại diện tiêu biểu nhất có thể kể đến Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Trên cùng một chuyến tàu năm 1932, tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan (2 năm sau trở thành Hoàng Hậu Nam Phương) – vốn là cháu ngoại của một nhà hào phú bậc nhất Nam Kỳ; và Vua Bảo Đại trở về nước sau nhiều năm du học ở Pháp. Lúc này, cô tiểu thư xứ Gò Công vẫn thường ăn mặc theo lối sống lúc ở Pháp: kiểu đầm suông hoặc suit dress dài đến bắp chân có hình bóng chữ nhật (silhouette đặc trưng của các quý cô Châu Âu thập niên 20 – 30), dùng bóp đầm, mang giày t-strap kitten heels hoặc giày oxford, đội mũ chuông (cloche hat) và sử dụng trang sức ngọc trai, vòng ngọc thạch.

 

VUA BẢO ĐẠI VÀ TIỂU THƯ NGUYỄN HỮU THỊ LAN LÚC CHƯA KẾT HÔN, TRƯỚC NĂM 1934.

Thời kỳ hoàng kim ở giai đoạn nửa cuối của thập niên 20, thời trang phương Tây đạt được nhiều thành tựu lớn. Vua Bảo Đại thuộc tầng lớp quý tộc du học ở Pháp, y phục của ông mang phong cách đại diện của các quý ông phương Tây, ngoài những bộ suit kẻ, vest double breasted, phối sang trọng với pocket square, đồng hồ quả quýt, thắt cravat, mang giày tây và dùng gậy bằng gỗ quý; phong cách thể thao cũng rất phổ biến trong thường phục của Vua Bảo Đại với áo len ghile, áo thun cổ Polo.

VUA BẢO ĐẠI TRONG THỜI GIAN ĐI HỌC, NGHỈ HÈ VỀ NƯỚC THƯỜNG ĂN MẶC GIẢN DỊ, KHỎE KHOẮN KHI CHƠI TENNIS

 

HOÀNG TỬ BẢO ĐẠI TRONG TRANG PHỤC DẠ HỘI TẠI PHÁP NĂM 1932

HOÀNG TỬ BẢO ĐẠI TRONG TRANG PHỤC DẠ HỘI TẠI PHÁP NĂM 1932

ẢNH CHỤP VUA BẢO ĐẠI TẠI HỒNG KÔNG NĂM 1948

Từ những năm cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân buộc các gia đình bá hộ ở Nam Kỳ phải cho con cái đi học trường Pháp trên tỉnh, huyện…để thực hiện kế hoạch khai hóa. Từ bị ép buộc trở thành phong trào Tây học, các vị công tử con nhà giàu có được đi học ở Pháp, hoặc các trường công giáo ở các xứ thuộc địa lân cận. Hai nhân vật nổi tiếng trong rất nhiều giai thoại mà hầu như người miền Nam nào cũng biết đến, chính là “Bạch công tử” Giorgie Phước (1901 – 1950), một trong những “tay chơi” ở miền Nam những năm 1920 – 1930; và “Hắc công tử” Trần Trinh Huy (1900 – 1973), là con trai của một trong 4 gia đình đại điền chủ giàu có bậc nhất Nam Kỳ, ăn chơi nứt tiếng và nổi danh ở Sài Gòn những năm 1930 – 1940. Một số “cậu ấm cô chiêu” mặc dù chỉ theo học trường Tây ở Sài Gòn, nhưng cũng chịu ảnh hưởng phồn hoa đô hội và sớm tiếp thu lối sống vật chất du nhập từ phương Tây. “Thời trang” chính là từ đây đặt những bước “thôn tính” đầu tiên trên Việt Nam và “bành trướng” cho đến ngày nay.

 

FAMILY GROUP 1930S. ẢNH: ROZIER-VIETNAM. VIETNAM MEMORIES

FAMILY GROUP 1930S. ẢNH: ROZIER-VIETNAM. VIETNAM MEMORIES

 

Nhìn chung, bối cảnh những năm 1930, trang phục trong dân gian vẫn có tính bảo thủ. Các ông bà điền chủ, bá hộ và hội đồng vẫn mang đậm “nề nếp” truyền thống, trang phục chủ yếu là áo dài cổ đứng cài khuy, bộ bà ba gấm lụa đắt tiền, mang guốc mộc hoặc hài thêu, tóc búi tó, phụ nữ thì đầu đội khăn vuông gấp tam giác, hoặc khoác trên vai. Tuy nhiên, dần sang đầu thập niên 40 đã có sự “lai tạp” khi các ông bá hộ bắt đầu tân thời, mặc áo dài mang giày hàm ếch, đội mũ phớt, lái xe Chevrolet, uống rượu tây, hút xì gà,..

 

Cochinchine, 1935 – Costumes annamites (1)Notice : Monographie dessinée de l’Indochine – Ecole d’Art de Gia Dinh. (Voir AP2556). Cochinchine : Sites et gens.Mots Clefs : Cochinchine Dessin 1935 Costume Robe – Pantalon————Cochinchine, 1935 – Costumes annamites (2)Notice : Monographie dessinée de l’Indochine – Ecole d’Art de Gia Dinh. (Voir AP2556). Cochinchine : Sites et gens. Traduction accompagnant le dessin : « Robe (Ao Dai) Turbans (Khan Ong) Pantoufles (Giay Ham Ech) »Mots Clefs : Cochinchine Dessin 1935 Costume – Vêtement Parapluie

 

Sự tiếp nhận của giới nghệ sỹ trong nước

Có thể nói, giai đoạn 30 – 50 khởi đầu cho sự “tây hóa” táo bạo đối với áo dài, là giai đoạn tiếp nhận Âu phục cũng như khái niệm “thời trang” ở miền Nam Việt Nam. Áo dài cho đến những năm cuối thế kỷ XIX vẫn là kiểu ngũ thân cổ đứng, tay chẽn, cổ thấp, ống tay hẹp kiểu triều Nguyễn và không chít eo.

 

CÔ NGUYỄN THỊ HẬU – NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN MẶC ÁO DÀI MỚI KIỂU LEMUR (ẢNH BÁO PHONG HÓA)

 

Phụ nữ miền Nam đón nhận các “xu hướng mới” khi áo dài Le Mur bắt đầu xuất hiện vào thập niên 1930. Họa sĩ Cát Tường ( 1912 – 1946) lúc theo học tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đã cùng với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, khởi xướng phong trào cách tân áo dài truyền thống. Những chiếc áo dài Le Mur lấy cảm hứng từ các kiểu đầm phương tây của thập niên 20 – 30. Áo dài được cắt may ôm nhẹ vào cơ thể, thay đổi thân con thành hò áo, biến tấu các chi tiết từ âu phục như đường nối vai, tay phồng, cổ tay loe, bèo dún hoặc cài măng-set; và ứng dụng các kiểu cổ tân thời như tạo dáng vuông góc, trái tim, thắt nơ, cắt răng cưa, viền đăng-ten,…. thay vì là kiểu cổ đứng 3 phân chuẩn mực truyền thống. Thời kỳ này, ngành dệt may phát triển, áo dài màu thâm, đen hoặc các sắc nhạt trơn, trở nên “hợp thời” hơn bằng những thứ vải sặc sỡ, in họa tiết, caro, chấm bi, hoa lá,…

 

MỘT KIỂU ÁO DÀI LE MUR

 

 

MỘT SỐ MẪU TAY ÁO CỦA ÁO DÀI LE MUR – VẼ BỞI HỌA SĨ CÁT TƯỜNG. (NGUỒN ẢNH: FACEBOOK CA DAO VÀ MẸ)

MỘT SỐ MẪU TAY ÁO CỦA ÁO DÀI LE MUR – VẼ BỞI HỌA SĨ CÁT TƯỜNG. (NGUỒN ẢNH: FACEBOOK CA DAO VÀ MẸ)

 

Đến năm 1934, “thời trang áo dài” của Nam Kỳ lại càng được “cải tiến”. Tại Hội Chợ Nữ Công Đà Nẵng, họa sĩ Lê Phổ giới thiệu những mẫu áo dài mới, dung hòa kiểu Le Mur với các mốt thời trang phương Tây và áo dài ngũ thân truyền thống. Áo dài Lê Phổ là phiên bản lược bỏ các chi tiết “cải cách lố lăng” cầu kỳ ở tay áo và cổ áo của Le Mur, giữ lại sự cải tiến về phom dáng, kéo dài tà áo đến gần chấm gót nhưng thu hẹp hơn, xây dựng hình ảnh mềm mại thướt tha như ta thấy được ở các kiểu áo dài hiện đại ngày nay.

Kết

Mặc dù trang phục áo dài của phụ nữ miền Nam nói riêng và cả miền Bắc, Trung nói chung đã có sự cách tân mạnh mẽ. Tuy nhiên, có thể nói y phục của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 30 – 50 chỉ là sự “khai mạc” cho các thập niên tiếp theo. Bắt đầu từ thập niên 50, khái niệm “thời trang” ở miền Nam Việt Nam mới thực sự được “châm ngòi”, mở ra một giai đoạn mới trong cách ăn mặc của người Việt cận đại.

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: