Tổng hoà từ những gam màu tinh tuý nhất của giới thượng lưu trong “Thời đại nhạc Jazz”, hào nhoáng và xa xỉ nhưng vẫn toát lên một vẻ tinh tế đầy sang trọng, bức tranh thời trang trong phim The Great Gatsby đã được vẽ nên một cách đầy rực rỡ, khiến người xem phải choáng ngợp và đắm chìm trong sự xa hoa của một Hoa Kỳ vào thời kỳ cực thịnh những năm 1920, giống như cái cách mà cả New York chìm đắm trong những buổi đại tiệc xa xỉ tại dinh thự của “Gatsby vĩ đại”.
Năm 2013, sau rất nhiều sự mong đợi của giới mộ điệu, bộ phim The Great Gatsby (tựa Việt: Đại gia Gatsby) của đạo diễn Baz Luhrmann, đã chính thức được ra mắt. Với tư cách là dự án chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn F. Scott Fitzgerald, có sự đầu tư “khủng” nhất từ trước đến nay, với mức kinh phí 105 triệu đô la Mỹ, cùng sự góp mặt của dàn sao hạng A gồm Leonardo DiCaprio, Carey Mulligan, Tobey Maguire, The Great Gatsby dễ dàng trở thành tâm điểm trong lĩnh vực văn hoá giải trí ở thời điểm đó.
Bên cạnh việc là một bộ phim đáng xem, và được yêu thích bởi đông đảo những khán giả yêu điện ảnh, bộ phim The Great Gatsby còn là một tác phẩm cực kỳ mãn nhãn đối với những ai yêu mến thời trang và cái đẹp.
Tạo hình đẳng cấp của những quý ông sành điệu
Để đem đến hình tượng lịch lãm và sang chảnh nhất cho những quý ông trong The Great Gatsby, Catherine Martin đã tìm đến nhà mốt Brook Brothers – một thương hiệu suit nam lừng danh tại Mỹ. Vốn sở hữu uy tín lâu đời, cùng danh sách khách hàng toàn những quý ông sành điệu của xứ Cờ Hoa, từ những ngôi sao Hollywood như George Clooney hay chính Leonardo DiCaprio , đến nhiều đời tổng thống Mỹ, như: Abraham Lincoln, Franklin D. Roosevelt, Barack Obama… Brook Brothers nghiễm nhiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái hiện nên một giới thượng lưu của thập niên 20, với hơn 500 bộ trang phục. Qua đó, không chỉ giúp tô điểm thêm cho bức tranh thời trang trong phim The Great Gatsby, mà còn góp phần đánh bật lên bản chất của từng nhân vật xuất hiện trong phim.
Chúng ta có một vẻ lịch lãm đến từ những bộ suit 3 mảnh mang đậm phong cách cổ điển của những quý ông thuộc tầng lớp quý tộc lâu đời (“Old Money” – như cách gọi trong phim), với đại diện là bộ suit 2 hàng khuy hay những bộ suit sẫm màu với hoạ tiết pinstripe đầy phong độ của nhân vật Tom Buchanan (do Joel Edgerton thủ vai).
Bên cạnh những bộ suit, thì những trang phục khác của Tom đều góp phần đánh bật lên sức mạnh thể chất, như chiếc áo polo bó sát mang đậm phong cách thập niên 20 được phối tinh tế với 2 tông màu xanh. Không chỉ liên quan đến việc Tom từng là một vận động viên khi còn học ở Yale, mà việc sử dụng những trang phục này còn khéo léo bộc lộ được bản chất có phần hung hăng và trịch thượng của nhân vật này.
Thêm vào đó, Nick là một nhân vật dẫn truyện, có vai trò truyền tải đến khán giả bản chất sáo rỗng của giới thượng lưu tại Mỹ trong thời kỳ này theo một cách khách quan. Vì lẽ đó, những bộ trang phục của Nick trong phim The Great Gatsby đều được phối màu khá nhẹ và đầm mắt, với những tông màu nâu trung tính, khá phù hợp với phong cách kể chuyện tuy nhẹ nhàng mà có phần sâu cay của anh.
Nếu phong thái sang trọng của tầng lớp Old Money được xây dựng dựa trên các yếu tố cổ điển, thì phong cách thời trang của giới nhà giàu mới nổi, một tầng lớp đang phát triển mạnh mẽ tại Mỹ ở thập niên XX, lại mang đậm sự phá cách và hiện đại, mà đại diện ở đây chính là nhân vật trung tâm của phim – Jay Gatsby (do Leonardo DiCaprio đóng).
Vẫn là những bộ suit 3 mảnh, nhưng phong thái đỉnh đạc và lịch lãm của Gatsby lại được thổi vào một luồn gió tươi mới, với ve áo nhọn cùng chất liệu linen. Sự phá cách trong thời trang của nhân vật này còn được thể hiện rõ nét với những bản phối đặc sắc, nhưng vẫn giữ được sự tinh tế và hài hoà, với những gam màu pastel như trắng kem, hồng phấn, xanh hemlock… nhấn nhá với các phụ kiện nổi bật như club tie, cà vạt màu vàng, ghi lê xanh olive, khăn gấp túi hay ghim cài áo bằng vàng.
Nếu phải lập ra một danh sách những bộ trang phục nam đẹp nhất từng xuất hiện trên màn ảnh, thì bộ suit linen màu hồng phấn với ve nhọn (peak lapel) và hoạ tiết kẻ sọc chìm, phối với tông đỏ burgundy đến từ những phụ kiện như cà vạt và khăn gấp túi – được Leonardo DiCaprio diện trong phim The Great Gatsby – sẽ luôn được người viết xếp vào vị trí top đầu. Bộ trang phục này là một sự thể hiện cho làn gió mới mẻ và hiện đại đang được thế hệ “đại gia mới” thổi vào nước Mỹ ở những năm 1920, thế nên không quá khó hiểu khi nó đã khiến một nhân vật đại diện cho thế hệ Old Money là Tom có phần “gai mắt”.
Mãn nhãn với sự xa hoa từ phục trang của các quý cô
Những bộ trang phục của các quý cô trong phim The Great Gatsby thật sự là một bản khắc hoạ hoàn hảo cho sự xa hoa và hào nhoáng của giới thượng lưu thế kỷ XX. Với tâm huyết của mình, Catherine Martin đã tìm đến toàn những thương hiệu cao cấp nhất để chọn mặt gửi vàng: phần phục trang do chính tay của Catherine và nhà thiết kế trứ danh Miuccia Prada, cùng thương hiệu Miu Mi của bà đảm nhiệm, trong khi đó bộ sưu tập trang sức và phụ kiện đầy xa xỉ lại đến từ thương hiệu Tiffany & Co.
Chính bản thân nữ diễn viên Carey Mulligan khi vào vai quý cô kiêu kì Daisy Buchanan đã phải thốt lên rằng: “Trời ơi, tôi chưa bao giờ được diễn một vai nào đẹp đến thế này!”, khi chứng kiến đến hơn 40 bộ đầm được thiết kế đầy quý phái và tỉ mỉ dành cho riêng nhân vật Daisy, cùng với những món trang sức được chạm khắc tinh xảo, tiêu biểu như chiếc băng đô Savoy được làm từ ngọc trai cao cấp và kim cương hình cầu, với giá trị lên đến 200 ngàn Mỹ kim.
Đại diện cho sự phù phiếm của giấc mơ Mỹ, tạo hình của Daisy luôn gắn liền với sự quyền quý đến từ những món trang sức lấp lánh, đầm đính đá quý, áo choàng lông thú… Đúng với câu nói “Điều tuyệt vời nhất mà một cô gái có thể làm ở trong thế giới này, là một trở thành một cô nàng ngốc nghếch xinh đẹp.” tạo hình của Daisy dù sang trọng và đẹp đến nao lòng, nhưng vẫn phảng phất nên vẻ ngây thơ của một tiểu thư đài cát, đến từ việc sử dụng những tông màu trắng, hay tím pastel nhẹ nhàng, thể hiện với hoạ tiết hoa được thêu trên những thiết kế đầm suôn – biểu tượng của thời trang nữ ở thập niên 20.
Vẫn sử dụng những item thời trang biểu tượng của thập niên 20, tuy nhiên phong cách của cô bạn thân Jordan Baker (do Elizabeth Debicki thủ vai) lại khá khác biệt so với Daisy. Vốn là một cô nàng party girl, cùng xuất thân là một golf thủ chuyên nghiệp, những bộ đầm suôn của Jordan được thiết kế với những đường nét cắt xẻ khá táo bạo giúp làm bật lên vẻ gợi cảm cùng thân hình chuẩn mực của cô nàng. Những phụ kiện kim loại lấp lánh cùng tông màu nude nhẹ nhàng cũng gắn liền với Jordan, khắc hoạ cho cá tính có phần mạnh mẽ, nhưng vẫn đảm bảo được sự tinh tế của một quý cô.