Đằng sau sự lung linh mà thương hiệu Gucci đang khoác bên ngoài không phải là một câu chuyện thành công mà doanh nghiệp thời trang nào cũng dễ dàng đạt được. Cũng như các hãng thời trang lớn khác, Gucci đã trải qua những thử thách và nguy cơ phá sản trước khi thành công như bây giờ. Lịch sử Gucci bắt đầu từ năm 1921.
Khởi nguồn tình cờ
Guccio Gucci sinh ngày 26/3/1881 trong gia đình có truyền thống làm da thuộc tại Florence, Italy. Nhờ vậy, ông có cơ hội tiếp xúc với chất liệu thời trang cao cấp từ bé. Tuy nhiên, giai đoạn tuổi thanh niên, Gucci lại không lựa chọn kế nghiệp cha mình.
Ông thích chu du thế giới từ London sang Paris và kiếm sống bằng các công việc khác nhau như phục vụ bàn hay rửa bát. Savoy Hotel (London) là nơi làm việc của ông thời bấy giờ. Tại đây, ông có cơ hội chiêm ngưỡng phong cách thời trang thanh lịch của giới thượng lưu và người nổi tiếng. Lúc này, Gucci thường có thói quen ghi chép lại những kiểu dáng vali tinh xảo của giới nhà giàu.
Năm 1921, Gucci quyết định trở lại quê hương để mở cửa hàng bán vali và túi da cao cấp. Thiết kế của Gucci được truyền cảm hứng từ những đường đua ngựa.
Mở màn ngoạn mục cho Gucci
Một trong những thành công lớn tạo nên thương hiệu Gucci là dòng túi Bamboo Handle. Quai túi bằng tre Nhật chính là điểm đặc biệt khiến dòng túi Bamboo vừa ra mắt năm 1947 đã gây được tiếng vang. Sự khan hiếm nguyên liệu sau chiến tranh trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời ý tưởng quai túi làm bằng tre (thay vì da thuộc). Kể từ đó cho đến nay, dù Gucci có cho ra đời bao nhiêu kiểu dáng túi hợp thời, giới mộ điệu vẫn luôn nhắc tới túi quai tre như một hình ảnh đại diện cho thương hiệu.
Năm 1953
Sau khi Guccio Gucci qua đời, 4 người con trai của ông là Aldo, Vasco, Rodolfo, Ugo tiếp tục dẫn dắt thương hiệu. Bảo chứng là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu chính thức được khai trương tại thành phố New York, Mỹ.
Aldo đã sử dụng hai chữ đầu ở họ và tên cha để làm logo đại diện. GG đã được lồng ghép vào nhau đơn giản nhưng vô cùng tinh tế. Dưới sự điều hành của gia đình Gucci, thương hiệu danh giá này ngày một vươn xa. Tính đến tháng 5/2015, giá trị thương hiệu Gucci lên đến 12.5 tỷ USD.
Ghi danh trong kỷ lục Guinness
Vào tháng 10/1998, Gucci đã ghi danh trong sách Guinness với kỷ lục chiếc quần jeans đắt nhất thế giới lúc bấy giờ với giá khoảng 70 triệu đồng. Chiếc quần mang tên "Genius Jeans" với màu wax sáng, được thêu họa tiết hoa bằng phương pháp của người châu Phi.
7 năm sau, chiếc quần jeans 501 với giá hơn 120 triệu đồng của Levi's đã "cướp" mất kỷ lục Guinness mà hãng Gucci đạt được trước đó.
Phượng hoàng lửa trỗi dậy từ tro tàn
Đầu năm 2014, phản hồi doanh thu của thương hiệu Gucci vào quý III/2014 đã giảm 1,6%. So với các thương hiệu cùng tập đoàn Kering, Gucci là thương hiệu duy nhất tuột dốc không phanh tại thời điểm ấy. Đứng trước bờ vực phá sản, thương hiệu buộc phải thay đổi nhận diện mới nhằm tìm ra hướng đi khả quan hơn.
Năm 2015, Alessandro Michele được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo cho Gucci. Với cá tính thời trang phi giới tính, những sáng tạo thời trang của Alessandro bắt đầu khiến giới mộ điệu để ý đến Gucci một lần nữa. Sản phẩm mà ông tạo nên dựa trên cảm giác về cái đẹp cổ điển không khuôn khổ nhưng mang nguồn năng lượng tích cực. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Alessandro Michele đã làm sống lại cơ đồ Gucci với doanh thu từ bộ sưu tập ready-to-wear tăng 66%, hạng mục giày dép tăng 46% và túi xách tăng 7%.
Trong năm 2019, Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele tiếp tục dẫn dắt thương hiệu Gucci đi theo con đường đề cao tính đa dạng giới. Bằng chứng điển hình nhất là BST Thu - Đông 2019 được lấy cảm hứng từ vị thần song tính Hermaphroditus trong thần thoại Hy Lạp.
Độc đáo là thế, Alessandro vẫn nhận vô số những bình luận trái chiều về cách sử dụng hình ảnh đi theo hướng quá "dị hợm" để câu khách. Không thể phủ nhận vị Giám đốc sáng tạo tài năng này đã đưa Gucci trở lại đỉnh vinh quang, nhưng những sản phẩm của Alessandro lại chỉ có thể thu hút được hầu bao của các Millennials thích nổi loạn, khó trung thành với một nhãn hiệu. Đây là một bất cập có thể sẽ đưa Gucci đến một bế tắc khác khi xu hướng thể hiện bản ngã qua trang phục bị xói mòn.
Tuy nhiên, từ đây cho đến tương lai đó, chúng ta hãy cùng chờ xem giá trị của thương hiệu Gucci có thể vượt qua được ngôi vương của Louis Vuitton (hiện Louis Vuitton đang là hãng thời trang có giá trị cao nhất thế giới) hay không?