Chung cư Sunshine Riverside, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội

Từ áo dài đến âu phục, trang phục nam giới Việt Nam một thời phong hoá (P1)

Đăng bởi MARU Yến | 18/07/2020 | 0 bình luận
Từ áo dài đến âu phục, trang phục nam giới Việt Nam một thời phong hoá (P1)

Âu phục phương Tây đã từng bước đi vào đời sống xã hội và văn hoá của Việt Nam kể từ khi người Pháp áp đặt “sự bảo hộ” lên toàn Việt Nam vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XIX. Tại các khu vực thành thị lớn tập trung nhiều thương nhân và người ngoại quốc như ở Hà Nội và Sài Gòn, các thợ may bản xứ đã nhanh chóng học hỏi được kỹ thuật cắt may âu phục từ những đơn đặt hàng của người Pháp. Nghề may âu phục trong nước đã được hình thành và dần chuyển hóa cách ăn mặc của đại bộ phận người Việt ở tầng lớp cao của xã hội.

Trong Ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ), tác giả Charles Édouard Hocquard [1*], vốn là một thiếu tá quân y người Pháp trong Chiến dịch Bắc Kỳ, mô tả: “Khi đến Hà Nội, chúng tôi thấy những người bạn cùng đội hải quân mặc những bộ comple (veston) tuyệt đẹp bằng vải Flannel do những người thợ An Nam may. Cửa hàng may cũng giống như những cửa hàng của các tiểu thương Hà Nội. Đó là một ngôi nhà tranh khá giống nhà kho lớn được mở cửa hướng ra đường. Phía trong ngôi nhà chia thành hai buồng bởi tấm liếp tre đan lưới mắt cáo. Thợ may ngồi vắt chéo chân. Ba (tên chủ tiệm may) giải thích với họ là phải để lại một bộ làm mẫu. Giá khoảng bảy đồng bạc làm trong hai ngày đúng như mẫu”.

Lối sống đa văn hoá Đông-Tây và một nền trí thức Tân học được thúc đẩy bởi hệ thống giáo dục thuộc địa ở Đông Dương và các trường học tại Pháp, mang tới nhiều sự đổi thay của thời cuộc và cả những biến động văn hoá, phong tục truyền thống của dân tộc. Trang phục là một trong những nếp văn hoá rất dễ bị ảnh hưởng trong thời đó. Từ Kinh Thành, Đại Nội cho đến những căn dinh thự của đại địa chủ Nam Bộ, từ phố Hàng Đào, Hàng Ngang cho đến những cánh rừng cao su ngút tầm mắt, trang phục nam giới sớm bị âu hoá, áo dài-khăn xếp-guốc mộc dần bị thay thế bởi những bộ âu phục, thường bắt đầu bằng những cách ăn mặc đôi khi bị coi là kệch cỡm như kết hợp áo dài, khăn xếp với giày da, nón phớt (nón nỉ phớt hay nón homburg).

Trang phục nam giới Việt Nam

Một gia đình người Việt quyền quý và có thế lực trong thế kỷ XIX. Những chiếc nón homburg và giày tây da bóng loáng chứng tỏ giá trị thượng lưu trong thời kỳ đầu của sự phong hoá. 

Đầu thế kỷ XX

Trong thế kỷ XIX, sự hùng mạnh của Đế chế Anh đã giữ quốc gia này ở ngôi vị kinh đô thời trang thế giới, nơi vạch ra các tiêu chuẩn trang phục phù hợp với địa vị xã hội. Suốt những thập niên đầu của thế kỷ XX, trang phục của nam giới Châu Âu vẫn còn mang dấu vết của kỷ nguyên Edwardian. Mặc dù đã giảm bớt tính bảo thủ, frock coat đã bị thay thế bởi chesterfield coat, morning coat và đến suit, nhưng vẫn giữ được kỹ thuật may đo khắt khe, chuẩn mực. Trang phục của quan chức người Pháp trong giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng bởi phong cách Anh, từ đó quyết định xuất phát điểm của quá trình Âu hóa trang phục của nam giới Việt Nam. 

Trang phục nam giới Việt Nam

Nhà ăn tại một trường sư phạm thông thường ở Hà Nội, 1920 – 1929

Đầu thế kỷ XX, các khái niệm và tiêu chuẩn Âu phục tân thời đã trở nên quen thuộc với tầng lớp thượng lưu, trung lưu và giới trí thức, văn-nghệ sĩ ở Việt Nam. Ban đầu, chỉ một bộ phận quan lại, địa chủ, thương nhân Hoa Việt (hầu hết là đàn ông) làm việc và phục vụ dưới chế độ của người Pháp dần làm quen với những bộ âu phục, đồng hồ, giày tây và cả những mái đầu chải chuốt. Tiếp theo đó là một tầng lớp trí thức sinh ra vào đầu thế kỷ XX và trưởng thành trong môi trường giáo dục đã đi vào nề nếp của Pháp, là những người chịu sự ảnh hưởng lớn bởi văn hoá Pháp, nhưng đồng thời có khả năng tiếp cận sớm nhất với sự tiến bộ và biến động của thời kỳ hiện đại hoá. 

Trang phục nam giới Việt Nam

Ảnh chụp ông Đỗ Hữu Phương – Tổng Đốc Phương (1841 – 1915) thời trẻ, in trên một cuốn sách xuất bản năm 1880. Tổng Đốc Phương là con của Bá hộ Khiêm (một người Hoa Kiều gốcMinh Hương) giàu có danh tiếng ở Chợ Lớn. 

Tổng Đốc Phương là người có mối giao thiệp rộng và thân thiết với các quan chức, tầng lớp thượng lưu và trí thức Pháp, Hoa, Việt. Bắt đầu từ Hội Nghiên cứu Nam Kỳ và Đông Dương (Société des Études Indo-chinoises), khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tầng lớp thượng lưu Hoa-Việt ở Nam Kỳ chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp mà ông Phương là một ví dụ nổi bật. Bản thân ông cũng là người yêu chuộng văn hóa Pháp, với một lối sống xa hoa pha lẫn phong cách Pháp-Hoa-Việt tại tư gia của mình. 

Các con trai của ông Phương cũng thừa hưởng một nền giáo dục Pháp chính quốc, trong số họ có một người tên Đỗ Hữu Vị, là phi công người Việt phục vụ trong Quân đội Pháp và được cho là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay chiến đấu. 

Trang phục nam giới Việt Nam

Tổng Đốc Phương là một cộng sự đắc lực của người Pháp, ông từng giữ chức phụ tá cho thị trưởng Chợ Lớn Antoine Landes (vào năm 1879). Bức ảnh trên là một bưu thiếp của Pháp, chụp trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp và uy thế của ông Tổng Đốc Phương, khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

Tổng Đốc Phương đã đến Pháp 4 lần, trong đó có một lần dự Hội chợ triển lãm năm 1889. Ông Phương là người tiếp thụ văn hoá Pháp và thể hiện sự Âu hoá từ rất sớm. Trong bức ảnh bưu thiếp, ông Tổng Đốc Phương vẫn đang giữ cách ăn mặc tuxedo đen trang trọng, chính thức của nam giới cuối thời Victoria (1837 – 1901), sơ mi cổ cao, evening waistcoat, tailcoat với ve áo cổ nhọn lụa satin, giày oxford boots, trang sức đồng hồ quả quýt và đặc biệt là bộ ria mép quý ông đặc trưng của thế kỷ XIX.

Trang phục nam giới Việt Nam

Ông Trần Trinh Trạch (1872 – 1942), thường được gọi là Hội đồng Trạch, thân phụ của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900 – 1974). 

Ông Trạch nguyên là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil Privé), nguyên chánh hội trưởng và đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành. Trong ảnh, Hội đồng Trạch đang mặc suit theo phong cách điển hình của những năm 1900, black lounge suit (hay sack suit, stresemann suit) – một loại trang phục bán chính thức và giản thể của morning coat.

Trang phục nam giới Việt Nam

Bức ảnh chụp vào năm 1917, trong buổi chia tay nhà báo Phạm Quỳnh từ Đông Dương Tạp Chí sang Nam Phong Tạp chí. 

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là người đầu tiên từ phải sang, rất nổi tiếng với câu nói “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ” (1909); và cụ Phạm Quỳnh (1892 – 1945) đứng ở vị trí thứ 2 từ trái sang là người nói câu “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” (1924)

Trong bức ảnh là những người đàn ông Việt Nam sinh ra trong thời kỳ đầu của chế độ thuộc địa Pháp. Đây là thời kỳ mà sự Âu hoá chỉ mang tính chất sao chép và mâu thuẫn, chưa thực sự đi vào lối sống, nhận thức và tư tưởng của người Việt. Âu phục được sử dụng như một phương tiện giao tiếp xã hội hơn là một cách ăn mặc thiết yếu. Do đó, những cá nhân có tinh thần chủ nghĩa quốc gia có xu hướng nghiêng về trang phục truyền thống như một biểu hiện phản kháng sự phong hoá. 

Cụ Phạm Quỳnh là người tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu và xuất bản báo chí. Ông đã gắn bó với áo dài truyền thống trong suốt sự nghiệp của mình ở nửa đầu thế kỷ XX, giai đoạn mà âu phục dần có một chỗ đứng vững chắc để hiện đại hoá cách ăn mặc của người Việt.

Trang phục nam giới Việt Nam

Cố hoạ sĩ Nam Sơn (1890 – 1973), khoảng 29 tuổi. Ảnh chụp năm 1919 

Hoạ sĩ Nam Sơn, tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, là con trai duy nhất của một nhà nho đảm nhiệm chức thư ký phủ Thống sứ Bắc Kỳ Nguyễn Văn Khang (1871 – 1894). Hoạ sĩ Nam Sơn là người đồng chí hướng với hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu. Cả hai cùng thành lập trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1924, mong muốn tạo ra một môi trường nghiên cứu bản sắc nghệ thuật Đông Dương và khai sinh nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Hoạ Sĩ Sơn Nam cũng là một trong những hoạ sĩ đầu tiên của nền hội họa đương đại Việt Nam. 

Sản phẩm MARU đã xuất hiện trên các sự kiện của:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: