Từ thập niên 20
Trước 1920 là thời đại mà trang phục vẫn mang tính chính thức để khẳng định địa vị và giai cấp xã hội. Việc ăn mặc và phục sức một cách chuẩn mực, hợp thời chính là công cụ để thể hiện vị thế của mỗi người. Nhưng điều đó sẽ thay đổi, thời kỳ hậu Thế Chiến I sẽ mở ra một kỷ nguyên mới.
Cuộc cách mạng trong hầu hết mọi lĩnh vực đồng thời đã dựng nên các kinh đô kinh đô thời trang mới, sự phong hóa ngày càng lớn rộng và ly tâm đến tận vùng Viễn Đông, nước Pháp vô tình đóng vai trò truyền cảm hứng và chuyển hóa “những năm hai mươi vàng son” (Golden Twenties *3), ảnh hưởng điện ảnh lãng mạn (cinematic influence) của thập niên 30, và sự phổ biến của sportswear trải rộng những năm 1940 – 1950 vào xứ Đông Dương, đặc biệt là tại Việt Nam.
Trong lịch sử thế giới, trang phục nam của thập niên 20 được xem là khởi đầu của thời trang nam hiện đại ngày nay. Đó là một quá trình giản lược và chắt lọc những yếu tố cổ điển, thừa hưởng những thành tựu và phát triển liên tục theo dòng thời gian của nó để ngày càng đến gần với cách ăn mặc hiện đại ở thế kỷ XXI. Ngay từ thập niên 20 này, thẩm mỹ “nam tính” đã rất khác so với cách ăn mặc, phục sức của nam giới trước thế kỷ XX.
Các sinh viên của Đại học Đông Dương, Trường/Khoa Sư Phạm (Université indochinoise, école de pédagogie) trong giờ học vẽ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, 1920 – 1929. Nguồn: manhhai/flickr
Các nhà trí thức Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh chụp trong một chuyến đến Paris, năm 1922. Nguồn: Tannamtu
Trong thời gian chờ đợi cuộc cách mạng thời trang thể thao (một cú thúc mạnh của công nghiệp hoá), quần áo thiết yếu trong tủ quần áo nam giới từ những năm 1920 đến 1930 chính là suit. Trong phần lớn các sự kiện, hoạt động, công việc, các bữa tiệc ngày và đêm, suit là lựa chọn đầu tiên và duy nhất để bước ra xã hội. Đối với nam giới Việt Nam thời kỳ này, suit là tiêu chuẩn phù hợp với thời thế, nhưng song song đó, trang phục áo dài-khăn xếp truyền thống của dân tộc vẫn giữ một vị thế cao.
Ngồi ở vị trí hàng đầu, trung tâm bức ảnh là hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu, người đảm nhiệm thành lập và là hiệu trưởng đời đầu của trường Mỹ Thuật Đông Dương (được thành lập vào tháng 10/1924).
Người Việt Nam duy nhất ở hàng ghế phía trước, đầu tiên từ phải sang là hoạ sĩ Nam Sơn, người cùng với hiệu trưởng Victor Tardieu đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương. Bức ảnh này ở một thời điểm của năm 1926, so với bức ảnh chụp vào năm 1919, hoạ sĩ Nam Sơn có một diện mạo hoàn toàn khác với một vị thế đáng kính nể ở “hàng ghế đầu”
Trong ảnh, trang phục Á Đông lẫn Tây Phương của các thế hệ sinh viên đầu tiên tại trường Mỹ Thuật Đông Dương cho thấy biểu hiện của một giai đoạn phong hoá từ trang phục áo dài truyền thống đến âu phục hiện đại. Giai đoạn giữa thập niên 20, âu phục nam giới Việt Nam nếu diễn giải từ bức ảnh, cho thể thấy khá phổ biến single-breasted coat, chất liệu nhẹ và đa phần là những màu sáng, suit được cắt may vừa vặn và dựng phom theo dáng người, hai túi có nắp, độ dài quần hiếm khi phủ cổ chân nhằm để lộ phần tất khi ngồi, giày tây trắng khá được ưa chuộng, mặc dù những chiếc áo sơ mi cổ gladstone và kiểu thắt cravat vẫn mang ảnh hưởng của phong cách Edwardian.
Bức ảnh được chụp trong khoảng sau năm 1926 và gần cuối thập niên 20, trong ảnh, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (người ngoài cùng, hàng đầu bên trái) cùng Thầy và các bạn học ở trường Mỹ Thuật Đông Dương. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh là một trong hai người Việt học Khoa Kiến Trúc, khoá 2 (1926 – 1931).
Thập niên 20 của thế kỷ trước có một sự phân biệt giữa phong cách ở giai đoạn nửa đầu và nửa cuối. Những năm đầu 1920, suit 3 mảnh là tiêu chuẩn âu phục nam giới với nhiều chi tiết còn mang ảnh hưởng của thời Edwardian. Trong đó, các kiểu waistcoat (hay vest, ghi lê) có một sự đa dạng nhất định. Các kiểu U-neck chính thức dành cho các sự kiện tối (evening suit) có lẽ không thực sự phổ biến trong văn hoá Việt Nam, thay vào đó là các kiểu V-neck waistcoat mặc thường nhật, cổ V cao có ve hẹp, vạt ngang, quần âu suông thẳng và có độ rộng vừa phải (độ rộng chỉ bằng ½ so với một xu hướng sẽ sớm nổi lên trong vài năm tới, và kéo dài trong 2 thập niên sau đó). Hầu hết waistcoat và suit jacket trong thập niên 20 đều phổ biến dạng single-breasted (đơn ngực).
Một bức ảnh chụp ở nhà ăn của trường Đại học Đông Dương (Université indochinoise – le réfectoire) tại Hà Nội, trong khoảng thời gian 1920 – 1929. Nguồn: manhhai/flickr
Màu sắc âu phục của nam giới trong thập niên 20 quen thuộc với các gam màu nâu sẫm, nâu nhạt, xanh lam trung tính, xanh đậm và xám, phấn, trắng. Một bộ suit gangster đen sọc trắng là kiêng kỵ đối với quý ông thanh lịch thời này. Chất liệu vải lanh màu trắng ngà và vải cotton trắng phù hợp với khí hậu nhiệt đới của xứ Đông Dương, do đó là màu sắc thông dụng đối với người Pháp lẫn người Việt trong nước.
Những bộ suit trắng (tông trắng ngà, hoặc các màu pastel) là một trong những biểu tượng của “giấc mơ tuổi trẻ” The Great Gatsby (một kiệt tác của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ, xuất bản lần đầu vào tháng 4/1925), thuật lại bối cảnh thời trang và lối sống thượng lưu diễn ra vào năm 1922. Phong cách lounge suit của những năm đầu 1920 (thời điểm trước khi kiểu quần oxford bags xuất hiện) mang tính biểu tượng cổ điển lẫn hiện đại của sinh viên trường Ivy League trước và sau thời nổi loạn, với sức phổ biến lan khắp các trường đại học Anh, Mỹ và thế giới. Ngày nay, Ivy League là một thuật ngữ phong cách thời trang, tiền thân của phong cách preppy rất được ưa thích bởi những người theo đuổi thời trang vintage.
Một nhân vật trong hoàng tộc, chụp bởi Khánh Ký Saigon, một hiệu ảnh nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong những năm 1920, việc bắt kịp các mode thời trang và thể hiện giá trị vật chất thông qua cách ăn mặc là một thái độ trang trọng, một nguyên tắc lịch sự trong ngoại giao của tầng lớp trung lưu, thượng lưu ở Châu Âu, Mỹ và cả những khu vực sớm du nhập các nền văn hoá quốc tế.
Từ suốt thập niên 20, thương mại nội địa trong nhiều lĩnh vực đã có sự phát triển vượt trội. Chính sách quy hoạch kinh tế đô thị và hạ tầng giao thông phát triển bởi người Pháp, đã tạo điều kiện cho các thương buôn người Việt nhanh chóng tiếp xúc với quy luật cung-cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường. Trên các tờ báo lớn thời bấy giờ như Công Luận báo, Hà Thành Ngọ Báo, Tiếng Vọng An Nam, Đông Pháp Thời Báo…đã phản ánh một thị trường cạnh tranh sôi nổi thông qua các chủ đề bàn luận và quảng cáo.
Một quảng cáo của tiệm may Công-Tính-Thành, ở số 80, đại lộ Bonnard, Sài Gòn. Đăng trên Công Luận báo, số 365, ngày 30/6/1926. Nguồn: baochi.nlv.gov
Quảng cáo thời trang nam giới đăng trên Công Luận báo, số 757, ngày 25/10/1927. Ảnh trái: tiệm may Au Chic Tonkinois Lê Tiến Chức, đường Catinat, Sài Gòn. Ảnh phải: tiệm may Phúc Duyên, 163 đường Catinat, Sài Gòn. Nguồn: baochi.nlv.gov
Cửa hiệu Nguyễn Ngọc Linh tại số 104, rue de Chanvre, Hà Nội đăng một quảng cáo “hàng mới về” bao gồm các loại mũ, nón Tây, khăn xếp và cả pháo, trên Hà Thành Ngọ Báo, số 742, 25 tháng Một 1930. Nguồn: baochi.nlv.gov
Ở giai đoạn nửa cuối thập niên 20, kiểu quần âu ống hẹp, để lộ bít tất và cổ giày đã trở nên lỗi thời. Tại Châu Âu, các Hoàng tử xứ Wales đã bắt đầu xu hướng ống gập lai (cuff) và trở thành trendsetter của nam giới trên khắp thế giới. Hình bóng suit của nam giới có sự thay đổi tổng thể, xuất hiện xu hướng oxford bags (từ phom baggy đến xoè rộng thùng thình), lai cuff, eo cao và khá phổ biến cho đến cuối những năm 1940.
Họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm thời sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương, ảnh chụp vào khoảng những năm 1926 – 1927, trong một lần đi vẽ ở ngoại thành Hà Nội.
Trong suốt quá trình phong hóa trên toàn lãnh thổ (1900 – 1950), cho đến một thời phong lưu của đô thành Sài Gòn ở các thập niên 50 – 70, âu phục hiện đại không chỉ rất được chú trọng bởi các nguyên thủ quốc gia, tướng lĩnh, công chức và những nhà kinh doanh lớn, mà còn thông dụng trong dân chúng đối với cả nam giới lẫn phụ nữ, khẳng định được tính đối trọng trước các cường quốc. Nhưng áo dài khăn xếp truyền thống vẫn là quốc phục tinh tuý và luôn xuất hiện trong những dịp quan trọng thể hiện danh tính của đất nước.
Hoàng thân Nguyễn Phúc Hồng Khẳng và các con cháu tại nhà vườn Lạc Tịnh Viên ở Huế, ảnh chụp vào thập niên 1920. Nguồn: manhhai/flickr
Đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ gặp gỡ các trí thức Sài Gòn nhân chuyến thăm vào năm 1929. Nguồn: Baomoi